Xăng, dầu tiếp tục chờ giảm thuế

Xăng, dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu. Việc bình ổn giá xăng, dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Thời gian qua, các giải pháp, công cụ điều tiết giá xăng, dầu đã được cơ quan điều hành sử dụng linh hoạt, tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn neo ở mức cao. Dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu tại nước ta hiện vẫn có thể trông chờ vào thuế, phí, việc lựa chọn "hy sinh" ngân sách tạm thời để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn cần thiết.

Còn dư địa để tiếp tục kìm giá xăng, dầu

Từ đầu năm đến nay, xăng, dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế từ ngày 11-7 đã góp phần đưa giá xăng trong nước xuống dưới mức 30.000 đồng/lít. Đây được đánh giá là động thái tích cực, thể hiện nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội nhằm kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho đời sống và sản xuất kinh doanh. Đối với người dân, doanh nghiệp, dù mức giảm này chưa “thấm” vào đâu so với mức tăng nóng của giá xăng, dầu trong thời gian qua, nhưng đã giải tỏa phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giá các mặt hàng khác.

Thực tế cho thấy, giá xăng, dầu đang là “biến số” gây tác động đến lạm phát trên toàn cầu. Với người dân, doanh nghiệp trong nước, điều đáng quan tâm là sự ổn định về giá xăng, dầu như thế nào sau đợt giảm vừa qua mới là quan trọng. Từ cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để giúp kìm giá xăng, dầu hiện vẫn còn, thông qua việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu.

Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, ở trong nước, dù thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được giảm kịch khung (xăng còn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít; dầu diesel còn 500 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; dầu mazut 300 đồng/lít; dầu nhờn 300 đồng/lít; mỡ nhờn 300 đồng/kg), tuy nhiên, hiện tại, các loại thuế, phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá xăng. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng đang phải "cõng" các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu 10%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5RON92 là 8%). Nếu cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn..., các loại thuế và chi phí khác đánh vào mặt hàng xăng, dầu của Việt Nam chiếm 28-35% giá bán lẻ.

Giảm thêm thuế-tốt cho dân, lợi cho nền kinh tế

Giá xăng, dầu tăng không chỉ gây khó khăn với người dân, doanh nghiệp mà còn tạo sức ép lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhìn rộng ra thế giới cũng thấy, để ứng phó với giá nhiên liệu tăng cao trong nửa năm qua, hầu hết các quốc gia đều thực hiện các chính sách thuế, phí để kiểm soát giá mặt hàng này. Điển hình như Hà Lan đã giảm 12% thuế VAT xuống còn 9%; giảm 21% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu đồng thời tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro; Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít; Hàn Quốc giảm 20% thuế với xăng, dầu diesel và LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng)...

Trước mong mỏi của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp tục có chính sách ổn định giá xăng, dầu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần xem xét xăng, dầu như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp. Như vậy, cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng, dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích, hiện có 3 sắc thuế đối với xăng, dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) đang đánh vào phần trăm (%) của giá bán lẻ xăng, dầu trên thị trường. Do đó, nếu giảm được các sắc thuế này thì giá xăng, dầu sẽ giảm được nhiều.

Nhìn ở góc độ khác, việc đồng loạt giảm các loại thuế xăng, dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm đáng kể. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân khuyến cáo, đừng chỉ nhìn một chiều rằng khi giảm thuế thì nguồn thu giảm, cần nhìn theo hướng lâu dài hơn là khi nền kinh tế được tiếp sức thông qua việc giảm chi phí đầu vào, các ngành sản xuất khởi sắc, tiêu dùng gia tăng thì nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT với hàng hóa... hoàn toàn có thể bù đắp được hụt thu, thậm chí có lợi hơn. “Nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, bởi trong hai năm đại dịch đã lấy đi phần tích lũy. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistics... Ưu tiên hàng đầu lúc này là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội”, chuyên gia Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Liên quan tới việc tiếp tục có phương án điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT đối với xăng, dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung. Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm VAT đối với xăng và dầu; mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng, dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đề xuất thêm phương án nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp cần lưu ý, tập trung thực hiện để kiềm chế tối đa mức tăng của giá xăng, dầu. Theo đó, ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả, linh hoạt; điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng, dầu thì trong trường hợp giá xăng, dầu tăng quá cao, cần đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách...; các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng DN khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng, dầu... Vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân theo hướng hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước bù vào phần giá xăng, dầu tăng so với đầu năm 2022 đối với loại xăng, dầu ngư dân sử dụng. Ngoài ra, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách an sinh xã hội hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội.