Một điểm khai thác của Công ty CP Tân Hoàng Khang. Ảnh: QH
Quyết định số 65/QĐ-XPHC của UBND tỉnh Nghệ An về xử phạt hạnh chính Công ty Tân Hoàng Khang, địa chỉ khối 17, thị trấn Qùy Hợp, huyện Qùy Hợp do ông Nguyễn Văn Thủy (SN 1980), trú tỉnh Thái Nguyên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, 2 hành vi vi phạm với số tiền 276.760.000 đồng.
Hành vi vi phạm thứ nhất là lấn, chiếm 18.380m2 đất nông nghiệp không phải là đất trống lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. Cụ thể, xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải, nhà điều hành, nhà ở công nhân, công trình phụ, đường giao thông, bãi tập kết vật liệu, đất lưu không tại khu vực Thung Lùn, xã Châu Hồng, huyện Qùy Hợp. Về hành vi này, công ty bị phạt tiền 170.000.000 đồng. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính số tiền 36.760.000 đồng theo điểm d, khoản 7, Điều 14, Nghị định 91/2019 của Chính phủ.
Hành vi vi phạm thứ hai là không thực hiện đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, năm 2022, công ty đã xả nước thải bơm từ hầm lò vào hệ thống bể lắng tuần hoàn, sau đó bơm nước thải từ bể lắng tuần hoàn vào hang cát-tơ (xả ra môi trường). Với hành vi vi phạm này, công ty bị xử phạt số tiền 70.000.000 đồng.
Trước những hiện tượng bất thường về địa chất, nơi có Công ty Tân Hoàng Khang đang khai thác đá trắng, đá xây dựng, quặng thiếc, người dân kéo đến hầm mỏ phản đối và đề nghị doanh nghiệp cần có trách nhiệm với địa phương và nhân dân. Ảnh: QH |
Theo nguồn tin phóng viên, trước đó, UBND huyện Qùy Hợp đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và an toàn lao động tại mỏ thiếc của Công ty Tân Hoàng Khang.
Đoàn đã phát hiện công ty có 4 hành vi vi phạm gồm: Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật và không xây dựng, ban hành hoặc không tổ chức kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc (UBND huyện ra quyết định xử phạt số tiền 19.000.000 đồng); lấn 18.380m2 đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn (đề nghị tỉnh xử phạt 170.000.000 đồng); không thực hiện đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (đề nghị tỉnh xử phạt 70.000.000 đồng).
Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng: Hiện toàn xã xuất hiện 24 hố "tử thần" với gần 200 hộ ảnh hưởng có các điểm sụt, lún, nứt nẻ tường nhà. Ảnh: QH |
Ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, tại xã Châu Hồng, huyện Qùy Hợp, người dân trên địa bàn, nhất là tại các bản Hy, bản Na Hiêng... rất bức xúc trước việc trong thời gian dài đã xảy ra tình trạng sụt lún nhà cửa và ruộng đồng bị nứt, sập, nguồn nước sinh hoạt của bà con dân bản bị khô hạn bất thường khiến người dân bất an, lo lắng, đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Trong hơn 1 tháng qua, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp đã có những biện pháp trước mắt hỗ trợ cho người dân nhưng chưa có kết quả chuyển biến.
Trong ngày 26, 27/5 tại một số bản, trường học tiếp tục có dấu hiệu sụt lún, nứt nẻ... tạo thành những "hố tử thần" với tính chất nghiêm trọng hơn. Hiện, UBND huyện Qùy Hợp đã tiến hành hợp đồng với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ để đánh giá, kết luận về hiện tượng sụt lún của địa chất để có phương án tiếp theo.