Xuất hiện chủng Omicron, trường học ở TP.HCM có đóng cửa không?

Học sinh lớp 7-12 của TP.HCM đang đến trường học trực tiếp trong bối cảnh thành phố đã ghi nhận 11 ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó 6 ca đã xuất viện.

Tại cuộc họp báo chiều 7/1, phóng viên đặt câu hỏi khi biến chủng Omicron xuất hiện ở một số quốc gia, các nước này đã phải tạm dừng cho học sinh đến trường, trong các kịch bản của TP.HCM hiện nay, nếu có ca nhiễm biến chủng này ngoài cộng đồng, học sinh có ngừng đến trường hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay biến chủng Omicron diễn biến phức tạp, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội để có giải pháp ứng phó.

"Riêng ở trường học, bằng việc thực hiện tốt quy định 5K, quy trình ứng phó và giải quyết các tình huống phát sinh trong trường học, ý thức học sinh được nâng cao, phụ huynh với nhà trường phối hợp hiệu quả thì tôi tin rằng việc học tập trực tiếp của học sinh sẽ tiếp tục được giữ ổn định", ông Tân nói.

Ông Lê Duy Tân thông tin tình hình đến trường của học sinh TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay TP.HCM đang kiểm soát tốt các ca nhiễm biến chủng Omicron. Các trường hợp nhiễm biến chủng này đều được phát hiện khi nhập cảnh từ nước ngoài về, chưa phát hiện ca nhiễm biến chủng này ngoài cộng đồng.

Ngành y tế đã truy vết và xét nghiệm nhiều lần các F1 của những trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, đến nay các F1 đều âm tính.

Để đối phó với chủng Omicron, ngoài các chỉ đạo chung của thành phố và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, sở Y tế đã có hướng dẫn về chuyên môn để ứng phó với sự xâm nhập của chủng này cho các ban ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Bà Mai cho hay với trường học, TP.HCM đã có bộ tiêu chí an toàn trường học, đang được áp dụng nghiêm ngặt tại các trường. Hơn nữa, thành phố có quy trình xử lý F0 tại trường và được áp dụng rất tốt. Tất cả trường hợp F0, F1 trong trường học thời gian qua đều được xử lý đúng theo quy định, không lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố, nói thêm rằng từ khi thành phố tổ chức việc học trực tiếp, các ca F0 được phát hiện trong trường đều xử lý theo kịch bản và phụ huynh yên tâm cho con em đến trường.

Trong tuần đầu cho học sinh khối 7, 8, 10, 11 đi học cùng với lớp 9, 12, ông Lê Duy Tân cho biết ngành ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ở khối 7 đạt 92,4%, khối 8 đạt 95,48%, khối 10 đạt 95,85% và khối 11 là 93,56%. Số lượng học sinh đến trường đạt tỷ lệ rất cao so với khảo sát trước đó của ngành giáo dục.

Ông Tân cũng thông tin quận 4 và huyện Củ Chi đã hoàn tất việc trao đổi với phụ huynh, nhận được sự đồng thuận trên 90% nên hai địa phương này đang chuẩn bị cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 tới trường từ tuần sau.

Về kế hoạch tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh đến trường đối với các bậc mầm non, tiểu học và lớp 6, hiện nay, ngành giáo dục đang phối hợp với các cấp, ngành để có những tham mưu trong điều kiện cụ thể.

Trưởng phòng Giáo dục Trung học nhấn mạnh trong các quy định phòng, chống dịch khi học sinh trở lại trường, thành phố không yêu cầu, bắt buộc các em phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được đi học. Cơ sở nào yêu cầu học sinh phải xét nghiệm trước khi tới lớp là làm sai quy định.

Đến nay, TP.HCM ghi nhận 11 ca mắc Omicron, đều là những người nhập cảnh từ nước ngoài. Trong đó, 6 ca đã xuất viện. Diễn biến bệnh của các F0 này rất nhẹ, không có triệu chứng.