CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon - Mã: SSN) |
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất 2022, doanh thu dự kiến của SSN là 30 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2 tỷ đồng, tăng lần lượt 42,9% và 817% so với thực hiện 2021.
Về kế hoạch đầu tư năm 2022, SSN dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phát triển dự án Centa Park tại 678 Âu Cơ, Quận Tân Bình và triển khai lên phương án phát triển các dự án tại các khu đất hiện có. Công ty cho biết dự án Centa Park tại 678 Âu Cơ do vướng mắc trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên tiến độ triển khai chậm hơn so với kế hoạch.
Tiếp theo, các mặt bằng hiện có tại Lò Gốm, Võ Văn Kiệt, quận 6 và Phú Viên, Long Biên, Hà Nội cũng sẽ được khai thác hiệu quả.
Thêm vào đó, dự án số 6 Phạm Phú Thứ cũng sẽ được đẩy mạnh thực hiện việc hợp tác xây dựng. SSN cũng đang dự kiến tăng vốn điều lệ để phát triển dự án số 6 Phạm Phú Thứ và 216 Quốc lộ 1K, Linh Xuân, TP Thủ Đức.
Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty, các nguy cơ dần dần chuyển hóa thành khó khăn và ngày càng rõ rệt, tác động thẳng vào lĩnh vực kinh doanh của công ty.
Trước tình hình khó khăn ngay trước mắt, công ty sẽ hạn chế, cân nhắc cẩn thận đầu tư vào các dự án mới, xem xét cắt giảm chi tiêu giảm chi phí để từng bước vượt qua khó khăn chung của thị trường.
‘Lùm xùm’ kiện tụng với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna
Thông tin liên quan đến Seaprodex Saigon, hiện doanh nghiệp đang ở trong quá trình kiện tụng với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna.
Ngày 27/4, Tòa án Nhân dân TP HCM (TAND TPHCM) đã ban hành quyết định về việc mở thủ tục phá sản với SSN do mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý Tài sản Sen Việt được chỉ định làm doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đối với Seaprodex Saigon.
Doanh nghiệp cho biết nội dung quyết định căn cứ vào hồ sơ vụ án thụ lý ngày 13/1/2022 về việc: “Yêu cầu mở thủ tục phá sản”, theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna đối với Seaprodex Saigon.
Theo đó, TAND TP HCM đã ban hành quyết định về việc mở thủ tục phá sản với Seaprodex Saigon dựa trên bản án sơ thẩm từ giữa năm 2021 của TAND quận 1 về tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa. TAND quận 1 đã chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Fortuna (tiền thân là Công ty TNHH SX-XD-TM Thiên Phú), yêu cầu Seaprodex Sài Gòn phải trả cho Công ty Fortuna tổng cộng hơn 100 tỷ đồng bao gồm gần 53 tỷ nợ gốc và hơn 47 tỷ tiền lãi chậm trả từ 17/6/2011 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm là ngày 2/6/2021 (119 tháng 15 ngày).
Ngày 6/5, phía Seaprodex Saigon đã có văn bản giải trình liên quan đến quyết định của TAND TP HCM với Ủy ban Chứng khoán và các cổ đông, nhà đầu tư của doanh nghiệp. Theo đó, Seaprodex Saigon khẳng định không có hợp đồng mua bán nào với Công ty Fortuna. Hợp đồng kinh tế ký ngày 16/6/2011 giữa Seaprodex Saigon với Công ty Thiên Phú để mua bán 1.008 tấn cà phê với giá khoảng 52,9 tỷ là hợp đồng được dàn dựng làm giả bởi bà Trần Thị Mai H - Giám đốc Công ty Thiên Phú và ông D, nguyên Tổng Giám đốc của Seaprodex Saigon với hồ sơ giao nhận hàng, hóa đơn GTGT lập cùng ngày, không có chữ ký bên mua, đóng dấu tự chế “bán hàng qua điện thoại”.
Phía Seaprodex Saigon cho rằng, các tài liệu có dấu hiệu giả mạo này chỉ được bên Fortuna cung cấp cho TAND quận 1 chứ công ty không có hồ sơ, chứng từ giao dịch nào về khoản nợ 52,9 tỷ và giao dịch 1.008 tấn cà phê.
Ngày 10/5/2021, phía Seaprodex Saigon đã có văn bản ý kiến gửi cho TAND quận 1 chỉ ra các nội dung giả mạo, mâu thuẫn trong chứng cứ của Công ty Fortuna, tuy nhiên TAND quận 1 vẫn mở phiên tòa sơ thẩm vắng mặt bị đơn, trong khi đại diện của Seaprodex Saigon không được tống đạt giấy triệu tập hay thông báo xét xử của TAND quận 1 một cách hợp lệ. Và bản án khi được TAND quận 1 đưa ra cũng không tống đạt cho Seaprodex Saigon dẫn đến việc công ty mất đi quyền kháng án vì không biết ngày xét xử và nội dung bản án. Công ty đã gửi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tới các cơ quan cấp trên của cơ quan tố tụng này.
Văn bản của Seaprodex Saigon cũng xác nhận rằng công ty không bị mất khả năng thanh toán mà đang bị một nhóm cá nhân làm tổn hại đến giá trị doanh nghiệp và làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư, cổ đông công ty.