2 doanh nghiệp xin giải chấp tài sản đảm bảo trái phiếu

Sau khi định giá lại các tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, Công ty BIM Land và Du lịch Thành Thành Công đã xin rút bớt một phần tài sản bảo đảm để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, từ đó đảm bảo tốt hơn dòng tiền thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) mới đây vừa có thông báo về việc lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu về việc giải chấp một phần tài sản đảm bảo hiện đang đảm bảo cho lô trái phiếu của Công ty Du lịch Thành Thành Công (Du lịch TTC). Lô trái phiếu có mã VNG2124001, tổng mệnh giá 500 tỷ đồng.

Theo đó, TCBS với tư cách là đại diện người sở hữu trái phiếu đã nhận được thông báo lấy ý kiến của tổ chức phát hành là Công ty Du lịch TTC để lấy ý kiến của người sở hữu trái phiếu về việc giải chấp một phần tài sản bảo đảm hiện đang bảo đảm cho trái phiếu. Quá trình lấy ý kiến sẽ được thực hiện bằng văn bản và hình thức bỏ phiếu điện tử.

Cụ thể, để đảm bảo cho lô trái phiếu VNG2124001, Du lịch TTC đã sử dụng tài sản đảm bảo gồm 4 bất động sản là các khách sạn, tòa nhà và khu resort. Giá trị đảm bảo tại thời điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hơn 610 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá trị định giá tài sản đảm bảo của những bất động sản này theo thư thẩm định giá ngày 3/10/2022 của Công ty Thẩm định giá Thế Kỷ ghi nhận đã tăng lên gần 1.018 tỷ đồng.

Công ty Du lịch TTC lý giải, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện nay tình hình kinh doanh ngành du lịch đã có sự phục hồi với nhu cầu du lịch tăng mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước, bao gồm các địa phương mà công ty có khu vui chơi, khách sạn, nghỉ dưỡng đang hoạt động và đang là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên.

Vì vậy, Du lịch TTC muốn có thể sử dụng phần giá trị tăng thêm của tài sản bảo đảm để phục vụ nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh và phát triển của tổ chức phát hành, đảm bảo tốt hơn dòng tiền thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, Du lịch TTC xin ý kiến người sở hữu trái phiếu chấp thuận giải chấp một phần tài sản đảm bảo là khu Resort Ninh Thuận. Tổng giá trị bảo đảm còn lại sau khi giải chấp Resort Ninh Thuận là 541,7 tỷ đồng, vẫn lớn hơn giá trị đảm bảo tối thiểu của lô trái phiếu là 500 tỷ đồng và đáp ứng điều kiện trái phiếu.

Đồng thời, tổng giá trị định giá của tài sản đảm bảo và tổng giá trị bảo đảm tương ứng sau giải chấp tương đương với 181% và 108% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành. Do đó, Du lịch TTC cho rằng việc giải chấp Resort Ninh Thuận sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi người sở hữu trái phiếu.

Công ty Du lịch TTC không phải là đơn vị xin rút bớt tài sản đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp. Hồi tháng 8, TCBS, đơn vị đại diện cho người sở hữu trái phiếu, cũng có nghị quyết về việc giải chấp một phần tài sản bảo đảm hiện đang bảo đảm cho lô trái phiếu BIMB2023001 với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng, đáo hạn năm 2024 do Công ty bất động sản BIM (BIM Land) phát hành.

Theo đó TCBS chấp thuận cho BIM Land được giải chấp một phần tài sản đảm bảo là 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, với tổng giá trị bảo đảm tại thời điểm định giá gần nhất là 302,4 tỷ đồng.

Được biết, lô trái phiếu BIMB2023001 được BIM Land đảm bảo bằng các quyền sử dụng đất tại phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tổng giá trị của tài sản đảm bảo là 1.315 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để phục vụ cho việc phát triển dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh, Bim Land đã xin được giải chấp một phần tài sản đảm bảo là 3 quyền sử dụng đất nêu trên.

Tài sản đảm bảo dự kiến còn lại sau giải chấp là 1.012,9 tỷ đồng, vẫn lớn hơn giá trị đảm bảo tối thiểu của lô trái phiếu là 1.000 tỷ đồng và đáp ứng các quy định tại các điều kiện trái phiếu. Đồng thời, giá trị định giá của tài sản bảo đảm sau giải chấp tương đương với 144% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành. Do đó, việc giải chấp tài sản bảo đảm như trên sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.