CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) vừa công bố BCTC quý IV/2021. Theo đó, trong quý IV/2021, doanh thu thuần của Vietjet đạt 2.788 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu từ vận chuyển hàng hóa đạt 1.445 tỷ đồng, tăng 262% so với quý IV/2020.
Trong kỳ, Vietjet báo lỗ hơn 93 tỷ đồng trong khi quý IV/2020 lãi 994 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, Vietjet đạt doanh thu thuần là 12.998 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020. Lợi nhuận duy trì dương một phần nhờ doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ là 3.920 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với số đầu năm; vốn chủ sở hữu là 16.874 tỷ đồng, tăng trưởng 13%.
Về phần mình, doanh thu thuần quý IV/2021 của Vietnam Airlines đạt 9.178 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, trong 3 tháng cuối năm 2021, Vietnam Airlines báo lỗ hơn 1.184 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 27.911 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020; lỗ hơn 13.337 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 11.137 tỷ đồng năm trước đó.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản Vietnam Airlines đạt 63.105 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với số đầu kỳ.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2021 của Vietnam Airlines là hơn 62.598 tỷ đồng, tăng gần 11%.
Dù Vietnam Airlines thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu nhờ hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu của hãng vào thời điểm cuối năm 2021 chỉ ở mức 507 tỷ đồng, giảm 91,7% so với năm 2020.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tính chung 12 tháng 2021, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) đứng đầu với tổng số chuyến bay với 59.431 chuyến bay, trong đó, VASCO sụt giảm mạnh nhất 64% so với cùng kỳ. Vietjet Air thực hiện 40.676 chuyến bay trong kỳ, giảm 47,5%; Bamboo Airways với 24.823 chuyến bay, giảm nhẹ 12,7%.
Tính theo số lượng chuyến bay, thị phần hàng không đang được chia lại khi Vienam Airlines có thị phần giảm dần qua từng năm, từ 64,1% năm 2017 xuống 47%, trong khi Vietjet Air giữ vững thị phần khoảng 30% trong nhiều năm và và Bamboo Airways đang dần lấn sân với tỷ trọng chiếm 19,7%.
Nhìn vào bức tranh thị phần hàng không Việt Nam, có thể thấy rõ Bamboo Airways đang ngày càng tiến gần hơn với các lớp "đàn anh" dù còn khá non trẻ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của hãng trong những năm gần đây cũng đi kèm với kết quả kinh doanh thuận lợi. Năm 2019 và 2020, Bamboo Airways báo lãi lần lượt 300 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của FLC, tới cuối năm 2021, tập đoàn này sở hữu 21,7% cổ phần Bamboo Airways, và chịu khoản lỗ phân bổ 501 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với Bamboo Airways phải gánh chịu khoản lỗ 2.309 tỷ đồng trong năm ngoái.
Tính đến đầu năm 2021, vốn điều lệ của Bamboo Airways ở mức 7.000 tỷ đồng. Trong đó, FLC góp 3.586,8 tỷ đồng (sở hữu 51,24% VĐL), ông Trịnh Văn Quyết góp 2.802,4 tỷ đồng (sở hữu 40,03% VĐL) và các cổ đông khác góp 610,8 tỷ đồng (sở hữu 8,73% VĐL).
Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, Bamboo Airways đã có 4 đợt tăng vốn, lần lượt lên 10.500 tỷ đồng (ngày 5/2), 12.500 tỷ đồng (ngày 13/4), 16.000 tỷ đồng (ngày 26/4) và tăng lên 18.500 tỷ đồng (ngày 9/9).
Theo báo cáo tài chính chưa được kiểm toán năm 2021, tính đến ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là 16.760 tỷ đồng, tăng 220% so với số đầu năm.
Hiện tại, Bamboo Airways vận hành 29 tàu bay, bao gồm ba chiếc thân rộng Boeing 787-9, 21 chiếc thân hẹp trong họ A320, và 5 chiếc phản lực khu vực Embraer E190.
Tháng 2 vừa qua, Bamboo Airways đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT duyệt, trình phương án tăng quy mô đội tàu bay từ 29 chiếc hiện nay lên 100 chiếc vào năm 2028. Theo Bamboo Airways, việc tăng lên 100 tàu bay là nhu cầu "vô cùng cấp thiết" để gia tăng năng lực cạnh tranh của hãng.