Các chuyên gia của VNDirect dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện. Lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Nền kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi 4 động lực chính, bao gồm: Cầu nội địa; Xuất khẩu; Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Các chính sách trợ lực từ Chính phủ
Đây là yếu tố quan trọng, hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế. Theo VNDirect, Việt Nam vẫn còn khá nhiều dư địa cho chính sách tài khóa.
Do lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp so với lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, các chuyên gia phân tích cho rằng Chính phủ có thể tung ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia kỳ vọng các gói hỗ trợ sẽ tập trung vào việc trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế GTGT, thuế TNDN) và tăng vốn đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông và các dự án nhà ở xã hội.
VNDirect kỳ vọng rằng quy mô của gói hỗ trợ tài khóa mới bổ sung có thể ở mức 3-4% GDP (không bao gồm chi phí y tế bổ sung cho phòng chống dịch COVID-19) và sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2022.
Cùng với các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác.
Chính phủ dự kiến chi 566.000 tỷ đồng cho đầu tư công vào năm 2022 (tăng 10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021) để hỗ trợ phát triển.
Theo dự báo, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có thể tăng 15-25% so với giải ngân thực tế năm 2021. Ngoài ra, Chính phủ dự kiến sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công lớn trong năm 2022.
Cầu nội địa phục hồi
Cầu nội địa phục hồi sẽ là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.
VNDirect kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số.
Tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm: Thu nhập thực tế của người dân được cải thiện, du lịch được hồi sinh...
FDI tăng mạnh
Động lực thứ ba của nền kinh tế trong năm 2022 là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các chuyên gia của VNDirect tin rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022.
Sự phục hồi mạnh mẽ này nhờ vào những yếu tố: Việt Nam có kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm 2022; Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất tiến bộ với các đối tác lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA, RCEP,...
Với những lợi thế đó, các chuyên gia kỳ vọng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 9-10% so với cùng kỳ và vốn FDI giải ngân tăng 8-9% so với cùng kỳ vào năm 2022.
Xuất khẩu duy trì đà tăng
Xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu dự báo sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi. VNDirect kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao, tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ vào năm 2022.
Dự báo trên dựa vào những lý do thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Dựa trên báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022, tăng từ mức dự báo 4,0% trong báo cáo trước đó và có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, Chi phí vận chuyển dự kiến sẽ dần bình thường hóa từ cuối năm 2021 do các biện pháp phòng chống COVID-19 được giảm thiểu nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao cũng như tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác vào năm 2022...
Chia sẻ tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ông Nguyễn Thành Phong- Phó Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng trong trung và dài hạn, cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, đô thị hóa, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng mới dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.