Gần 50% nợ xấu nằm tại BIDV, VietinBank và VPBank, tăng vọt tại VietcomBank
Trong 4 tỷ USD dư nợ xấu (chưa bao gồm nợ bán cho VAMC), TOP 3 ngân hàng có dư nợ xấu lớn nhất hệ thống bao gồm: BIDV, VPBank, VietinBank.
Trong đó, BIDV dẫn đầu với 21.700 tỷ đồng. Tiếp theo là VietinBank với 10.400 tỷ đồng và 8.900 tỷ đồng là nợ xấu ghi nhận tại VPBank.
Tổng nợ xấu tại VietinBank, BIDV và VPBank chiếm gần 50%, trong 4 tỷ USD nợ xấu của gần 30 ngân hàng được thống kê.
Trong TOP 10, Vietcombank đứng vị trí thứ 4 với gần 7.700 tỷ nợ xấu. Vietcombank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng vọt trong TOP 10 với gần 2.500 tỷ (tương ứng tăng tới 47%).
Hơn nữa, chất lượng tài sản cũng có xu hướng đi xuống rõ rệt được thể hiện trên báo cáo tài chính. Trong số gần 7.700 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối quý I/2021, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) tăng gấp gần 9 lần, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gần gấp đôi.
TOP 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất cũng có sự góp mặt của những ngân hàng khác như SHB (5.865 tỷ đồng), Sacombank (5.292 tỷ đồng), MB (4.185 tỷ đồng), VIB (3.065 tỷ đồng), ACB (2.954 tỷ đồng), HDBank (2.835 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu của 10 ngân hàng kể trên đã chiếm 73.035 tỷ đồng, tương đương gần 78% nợ xấu của nhóm ngân hàng được thống kê.
Tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank giảm sốc, bất ngờ nợ xấu ACB
Gần 30 ngân hàng được thống kê có tới 81% ngân hàng nợ xấu tăng trong kỳ.
Trong đó, ACB gây bất ngờ khi dư nợ xấu ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên tới 60%, lên 2.954 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ có khả năng mất vốn) tăng gần gấp đôi lên 798 tỷ đồng, nợ nhóm 5( nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn 52% lên 1.858 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho biết ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai.
Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này (giả định tài sản đảm bảo bằng 0).
Nếu xét riêng về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng thì vị trí đầu bảng vẫn là VPBank với mức 3,46%, cao nhất trong số các ngân hàng khảo sát.
Con số này được tính bao gồm cả nợ xấu của FE Credit, vốn có tỷ lệ nợ xấu cao bởi đặc thù của công ty tài chính tiêu dùng. Nếu tính theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank chỉ ở mức 2,17%.
Tiếp theo là Viet Capital Bank (2,83%) và Eximbank (2,63%), PG Bank (2,58%) và ABBank (2,04%).
6/26 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, còn lại tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của các ngân hàng giao động từ 1% đến dưới 2%.
Thống kê cũng cho thấy, có 8 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm trước bao gồm Kienlongbank, ABBank, MSB, Seabank,VIB, Sacombank, NCB, Vietcombank, VietinBank và Techcombank.
Kienlongbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm sốc tới 3,85 điểm %, từ 5,42% (31/12/2020) về chỉ còn 1,57% vào cuối tháng 3/2021.
Lý do, ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm liên quan đến dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank. Đồng thời, ngân hàng cũng đã hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi dự thu này.
Rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng
Dù nợ xấu tại các ngân hàng này đã vượt trên con số 93.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), song Công ty chứng khoán BOS nhấn mạnh: nợ xấu chưa được phản ánh đúng và chính xác.
"Ngân hàng nhà nước đã có những văn bản đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid 19 điều này khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất", BOS đánh giá.
Trong báo cáo phân tích mới đây, ngân hàng HSBC cũng lưu ý rằng, mặc dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Việt chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng.
Nếu tính cả các "khoản cho vay bị suy giảm giá trị", nợ xấu ước tính sẽ tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020.
HSBC cũng giải thích các khoản cho vay bị giảm giá trị là định nghĩa rộng hơn về nợ xấu, bao gồm thêm các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản vay được cơ cấu lại theo Quyết định 780
Cảnh báo nợ xấu quay lại
Ông Nguyễn Trọng Du, Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020, nợ xấu toàn hệ thống luôn được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, từ tháng 8/2020, nợ xấu đã tăng lên trên 2%.
Trong văn bản vừa được gửi tới các tổ chức tín dụng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nêu rõ: "Qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy, một số tổ chức tín dụng có những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như: nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng so với cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với năm trước; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019…".