Theo Bộ Xây dựng, kinh nghiệm điều tiết thị trường bất động sản của Trung Quốc thể hiện qua 7 vấn đề.
Thứ nhất, hạn chế đầu cơ bất động sản, bảo đảm khả năng chi trả, tiếp cận nhà ở của người dân thông qua việc: Xác định nhà là để ở, không phải để đầu cơ, yêu cầu không được sử dụng bất động sản làm phương tiện để kích cầu kinh tế, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Thứ hai, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhằm giảm thiểu rủi ro thanh khoản và rủi ro tài chính thông qua việc: Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản hoàn thành các dự án chưa hoàn thiện thông qua việc kêu gọi các địa phương có chính sách đặc thù; Chính phủ thành lập các quỹ trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (44 tỷ USD) để mua lại các dự án nhà dang dở, rồi hoàn thiện việc xây dựng, bàn giao cho người mua; ngân hàng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các ngân hàng chính sách để cho các địa phương vay;
Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cùng ban hành "Thông báo về việc thực hiện tốt công tác mua bán, sáp nhập và xử lý rủi ro các dự án bất động sản quan trọng", đồng thời khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn tăng cường sáp nhập và mua lại các dự án bất động sản trên nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó là nới lỏng hợp lý các quy tắc đấu giá đất với việc giảm tiền đặt cọc, kéo dài thời gian nộp phí chuyển nhượng, hạ giá đấu khởi điểm một số lô đất..., nhằm tăng sức hấp dẫn với các doanh nghiệp bất động sản tham gia đấu giá.
Thứ ba là thực hiện chính sách hỗ trợ người mua nhà thông qua việc giảm lãi suất cơ bản các khoản vay nhằm hỗ trợ và cung cấp vốn cho doanh nghiệp, người mua ở, kích cầu tổng thể nền kinh tế; khuyến khích các tổ chức cho vay đẩy mạnh giải ngân tín dụng đối với nền kinh tế thực.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho người mua nhà từ Quỹ dự phòng. Theo đó, công nhân, viên chức có thể rút tiền từ Quỹ dự phòng để giúp con cái hoặc người thân trong gia đình mua nhà.
Thứ tư là đẩy nhanh phát triển nhà cho thuê giá rẻ thông qua việc, Ủy ban quản lý ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc ban hành "Thông báo về việc loại trừ các khoản cho vay liên quan đến nhà ở cho thuê giá rẻ", yêu cầu các tổ chức tài chính ngân hàng tăng cường hỗ trợ cho các loại hình nhà ở cho thuê giá rẻ và không tính vào cho vay bất động sản.
Đối tượng có thu nhập thấp được đẩy mạnh quan tâm, hỗ trợ. Dự kiến trong năm 2022 nước này sẽ xây dựng, cung cấp thêm cho thị trường 2,4 triệu căn hộ cho thuê giá rẻ.
Thứ năm là nới lỏng các hạn chế về định cư ở các thành phố lớn nhằm kích cầu nhà thông qua việc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc ban hành Kế hoạch "Đô thị hóa mới" trong đó hủy bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với việc "định cư thành thị", các điều kiện để định cư tại thành phố lớn được nới lỏng toàn diện.
Thứ sáu, Trung Quốc tối ưu hóa môi trường kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người mua nhà thông qua việc đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án, rút ngắn thời gian phê duyệt. Đẩy mạnh cải cách kết cấu nguồn cung nhà ở; tăng cường xây dựng hệ thống cung ứng nhà ở theo hướng sở hữu hóa; không gian nhà ở theo hướng đô thị hóa; tiện ích, dịch vụ theo hướng thông minh hóa.
Tăng cường giám sát toàn bộ quá trình phát triển dự án bất động sản. Xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật, như: Đăng quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực bất động sản; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Cuối cùng là trong thời gian tới, nhằm phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường đối mới các giải pháp giải quyết khủng hoảng nợ. Ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ lan rộng gây nguy cơ rủi ro cho hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Nước này cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Nới lỏng các chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người thu nhập thấp mua nhà. Tập trung giải quyết tình trạng nhà bỏ trống.
Bên cạnh đó là giải pháp xây dựng quỹ phát triển nhà ở. Hoàn thiện chính sách thuế và cơ chế đấu giá đất cũng như các quy định về truyền thông trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản.