Từ cấp bách dừng ở “nhất trí cao”
Là cảng hàng không (CHK) lớn nhất cả nước, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) từ động lực phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam nay đã dần biến thành “nút cổ chai” đối với hàng không và du lịch. Tắc dưới đất, tắc trên trời, cảnh ùn tắc đã tái diễn tại sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ trong mùa cao điểm du lịch và gần như đã trở thành “thương hiệu” của CHK này. Một cán bộ thuộc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất thừa nhận mặc dù trước mỗi dịp cao điểm, cảng đều huy động tối đa nguồn lực, linh hoạt triển khai tối đa các giải pháp phân luồng, điều tiết nhưng vẫn không thể tránh khỏi ùn tắc. Thứ nhất, do sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải trầm trọng. Lượng khách đã phát triển lớn hơn nhiều so với khả năng khai thác của cảng. Thứ hai, do cấu tạo khu vực nhà ga quốc nội hiện nay phân chia ga đến nằm giữa, 2 ga đi 2 bên, hình thành dòng xe đưa/đón lộn xộn, rất cực để điều tiết. Vì thế, để Tân Sơn Nhất hết ùn tắc, chỉ có thể chờ nhà ga T3 mới và sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Dù vậy, dự án xây mới nhà ga T3 từ năm 2018 đã được các bộ, ngành xúc tiến với nhận định vô cùng cấp bách nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công. Sau gần 2 năm loay hoay chọn chủ đầu tư, tháng 5.2020, Tổng công ty CHK VN (ACV) chính thức nhận quyết định của Chính phủ, được giao đầu tư xây dựng nhà ga T3. Ngay sau đó, ACV lập tức triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Tất cả công tác kiểm đếm, xác định ranh giới, cắm mốc đã nhanh chóng hoàn thành. Song song, các thủ tục đấu thầu, thiết kế, kỹ thuật chuẩn bị sẵn sàng mà theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, thời điểm đó tuyên bố rằng có thể khởi công ngay vào tháng 10.2020, hoàn tất sau 24 tháng theo đúng kế hoạch. Tháng 3 vừa qua, ACV đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công phần móng, mở thầu ngày 5.5. Thế nhưng, vướng mắc lớn nhất là việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,5 ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý (thuộc P.4, Q.Tân Bình) đến nay vẫn tắc.
Tháng 3.2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã tổ chức buổi làm việc với UBND TP.HCM với sự có mặt đầy đủ của lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan để bàn bạc tháo gỡ những vướng mắc cho dự án xây dựng nhà ga T3. Tại cuộc họp, từ Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng), lãnh đạo UBND TP.HCM cho tới Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) đều khẳng định dự án T3 có vai trò vô cùng quan trọng và cấp bách. Các đơn vị hoàn toàn ủng hộ và nhất trí cao việc bàn giao đất cho TP để chuyển lại cho Cảng vụ miền Nam giao ACV thực hiện dự án. Song, trao đổi với Thanh Niên sáng qua (6.7), ông Lại Xuân Thanh cho biết chủ đầu tư vẫn đang đợi Bộ Quốc phòng và UBND TP.HCM thống nhất giải quyết các thủ tục bàn giao đất. “Việc chuyển giao đất, đặc biệt là đất quốc phòng liên quan nhiều quy định pháp luật. Ngoài quy định về đất đai của hàng không còn vướng quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, rồi xử lý sắp xếp tài sản công theo Nghị định 167/2017… Rất nhiều thủ tục liên quan cần xử lý nên dự án vẫn đang chờ”, ông Thanh nói.
Lo hạ tầng cản bước hàng không, du lịch phục hồi
Không chỉ nhà ga T3, dự án “siêu” CHK quốc tế Long Thành, được kỳ vọng giảm tải cho Tân Sơn Nhất, tạo bàn đạp phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cũng đã gần 1 thập kỷ sau khi Quốc hội thông qua báo cáo tiền khả thi, đến nay vẫn chậm trễ. Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho biết đối với khu vực xây dựng sân bay, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được hơn 1.746 ha trên tổng số 1.810 ha phải bàn giao. Tiến độ bàn giao mặt bằng chậm so với yêu cầu, cùng tình trạng “xôi đỗ” ảnh hưởng tới việc tổ chức thi công san nền của toàn bộ giai đoạn 1 của dự án. Với hạng mục nhà ga hành khách do ACV làm chủ đầu tư, tính đến 23.6 đã đạt tổng khối lượng đào đắp đạt trên 12 triệu m³; hoàn thành san lấp toàn bộ khu vực lõi nhà ga, các khu vực còn lại đang triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch của ACV.
Ông Lại Xuân Thanh nhận định sau một thời gian nhu cầu đi lại bị nén, hàng không và du lịch đã “bùng” lại kinh khủng. Sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã quá tải, nay lại càng ùn tắc nghiêm trọng. Tất cả các giải pháp như “mượn” hạ tầng nhà ga quốc tế để phục vụ thị trường nội địa, điều chỉnh quy trình, điều tiết thêm làn đường cho phương tiện… chỉ mang tính tình thế. Tăng năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể chờ T3. Chưa kể, kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã được tính toán đồng bộ với việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và dự báo phát triển kinh tế - xã hội nói chung của khu vực cho tới giai đoạn 2025. Đây là một cụm sân bay, không phải 2 dự án riêng biệt phục vụ nhu cầu riêng biệt của từng khu vực.
Khẳng định hàng không, du lịch có đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế và đang có nhiều cơ hội để phục hồi, song TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN, thừa nhận hệ thống cơ sở hạ tầng đang là một trong những thách thức nguy cơ kéo chậm đà phát triển của hàng không VN. Để phát triển và nâng cao vị thế của ngành hàng không VN, cần có những giải pháp nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt để tiếp tục đầu tư, xây dựng, mở rộng đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không. “Chính phủ nên rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng hệ thống hạ tầng hàng không hiện nay. Trong trường hợp ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng hàng không của nhà nước gặp khó khăn, có thể kêu gọi khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ cho các CHK mới, CHK hiện hữu nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình đã đề ra. Bên cạnh đó, tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, thu hút thêm nhiều nguồn lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”, ông Bùi Doãn Nề đề xuất.