Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Group, HOSE: AGG) đang có khoản nợ trái phiếu hơn 1.370,5 tỷ đồng.
Các tổ chức phát hành trái phiếu cho An Gia Group gồm: công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi Nhánh TP. HCM phát hành có giá trị 286,6 tỷ đồng; ngân hàng TMCP Tiên Phong gần 525 tỷ đồng; công ty CP Chứng khoán Mirae Asset gần 311 tỷ đồng; công ty CP Chứng khoán Thành Công 192,5 tỷ đồng; công ty CP Chứng khoán Smartinvest 55,5 tỷ đồng.
An Gia Group cho biết, trong kỳ này công ty đang có khoản nợ 580,5 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn phải trả, 486,6 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 303,4 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Ngoài ra, An Gia Group cũng đang phải đối mặt với gần 289 tỷ đồng với các bên liên quan và khoản vay 105,3 tỷ đồng ngân hàng đến hạn phải trả.
Như vậy, tính đến ngày 30/6/2022 An Gia Group đang phải đối mặt với khoản nợ 974,7 tỷ đồng đến hạn phải trả, tương đương chiếm 42% tổng nợ vay.
Áp lực các khoản phải trả thể hiện rõ khi trong quý 2/2022 An Gia Group phải chi tới 243,2 tỷ đồng cho chi phí môi giới (cao hơn 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái) để đẩy mạnh bán hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của An Gia Group suy giảm 10%.
Cụ thể, trong quý 2/2022, An Gia Group ghi nhận doanh thu thuần 2.709,3 tỷ đồng trong quý 2/2022, cao gấp 10,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng hóa 2.178,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của An Gia Group đạt 539 tỷ đồng, tăng gấp 13,5 lần so với quý 2/2021.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của An Giai Group giảm 60% chỉ còn 79,5 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng 33,6%, lên 103 tỷ đồng. Bên cạnh đó, An Gia Group cũng chịu lỗ trong công ty liên kết 30,2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 75 tỷ đồng) và hoạt động khác lỗ 7,3 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 4,4 tỷ đồng).
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng của An Gia Group cao gấp 9,5 lần, lên 253,1 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 20% lên 33,1 tỷ đồng. Do đó, An Gia Group báo lãi sau thuế trong quý 2/2022 mức 170,2 tỷ đồng, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Áp lực của An Gia Group về nguồn vốn cũng thể hiện rõ trong dòng tiền lưu chuyển của doanh nghiệp này.
Cuối quý 2/2022, dòng tiền từ hoạt động tại chính của An Gia Group âm hơn 2,2 tỷ đồng mặc dù doanh nghiệp đã vay gần 1.147 tỷ đồng. Nguyên nhân là do An Gia Group đã phải chi 1.305,6 tỷ đồng để trả nợ gốc vay cho các khoản vay trước đó của mình. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng phải chi trả cổ tức gần 50 tỷ đồng cho các cổ đông không kiểm soát.
Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này cũng âm gần 695 tỷ đồng. Điều an ủi cho An Gia Group là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương 1.961,7 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý 2/2022, dòng tiền thuần của An Gia Group ghi nhận dương 1.264,6 tỷ đồng.
Đẩy mạnh hoạt động bán hàng nên hàng tồn kho của An Gia Group giảm 25% so với hồi đầu năm xuống còn 5.050,6 tỷ đồng. Hàng tồn kho của An Gia Group tập trung ở các dự án như The Sóng (Vũng Tàu) 1.917,6, Westgate (Bình Chánh, TP. HCM) 1.888 tỷ đồng, The Standard (Bình Dương) 682,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, ba dự án bất động sản này đã được An Gia Group dùng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng vay vốn tín dụng và trái phiếu của các ngân hàng này.
Tuy bán được hàng nhưng thực thu của An Gia Group vẫn là dấu hỏi khi các khoản phải thu của An Gia Group tăng 12,2% so với đầu năm lên mức 4.746,3 tỷ đồng chiếm 37,6% tổng tài sản.
Bởi vậy, cuối quý 2/2022, tỷ trọng của các khoản phải thu và hàng tồn kho vẫn chiếm tới 77,6% tổng tài sản của An Gia Group.