Áp lực nợ xấu gia tăng, ngân hàng vẫn trầy trật thu hồi nợ

19/07/2023 09:33

Áp lực nợ xấu gia tăng, đặc biệt sau khi thông tư 02 cơ cấu thời gian trả nợ hết hiệu lực, rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và có sự phân hóa giữa các ngân hàng, trong khi các ngân hàng lại đang trầy trật thu hồi nợ. Đứng trước áp lực này, các ngân hàng mong muốn được trao thêm quyền đòi nợ.

Theo nhận định của các ngân hàng, tỷ lệ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng được kiểm soát ở mức dưới 3% vào cuối quý I/2023, song nợ xấu đang có xu hướng tăng, một số ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Do đó, các ngân hàng buộc phải thận trọng trong các quyết định cho vay.

Nợ xấu gia tăng trong tương lai

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Sức hấp thụ vốn nền kinh tế thấp, mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm lãi suất cho vay tương đối sâu, song tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt trên 4%, mặt khác cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.

Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng được tổ chức cuối tuần qua, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, còn đúng một nửa thời gian để thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2021-2025, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Agribank xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

no-xau-gia-tang-cac-ngan-hang-buoc-phai-than-trong-trong-cac-quyet-dinh-cho-vay-1689665042.jpgNợ xấu gia tăng, các ngân hàng buộc phải thận trọng trong các quyết định cho vay.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ. “Thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Ấn cho hay.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB đánh giá: áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu, đây là một bài toán khó cho các ngân hàng khi thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023.

Chuyên gia này phân tích, thông tư 02 về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng có thời hạn 1 năm đến hết tháng 6/2024, được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). Các giải pháp đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tín dụng vào kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 5/2023 tăng 14%.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, do một số áp lực được đẩy về tương lai.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022, nợ nhóm 2 tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong quý II/2023.

“Áp lực nợ xấu sẽ đẩy về tương lai khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nhất là trong trường hợp các ngân hàng không kiểm soát tốt chất lượng tài sản khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”, bà Hiền nói.

Ngân hàng mong muốn được bảo vệ quyền đòi nợ

Trong báo cáo triển vọng 6 tháng đầu năm 2023, các chuyên gia Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCSB) dự báo, nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng năm 2023 thấp hơn dự kiến nhờ các thông tư và chính sách hỗ trợ. Rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và có sự phân hóa, trong đó, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Còn nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.

Nợ xấu đang bị đẩy về tương lai, song các ngân hàng muốn xử lý các khoản nợ xấu cũng không hề dễ dàng. Ông Hùng cho biết, hiện nay xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các ngân hàng gặp nhiều vướng mắc, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, đại diện Hiệp hội ngân hàng đề nghị Bộ Công An, Viện kiểm sát, tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.

Đồng thời, ông đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo tòa án các cấp thống nhất hình thức xử lý tranh chấp liên quan đến chủ tài sản đảm bảo tạo tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD.

Trong khi đó, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) kiến nghị Quốc hội và Chính Phủ luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.

Đứng trước áp lực nặng nề về nợ xấu và xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Vinh, TGĐ VPBank cho rằng người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. Do đó, ông cho rằng, ngân hàng có quyền được đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ.

Bạn đang đọc bài viết "Áp lực nợ xấu gia tăng, ngân hàng vẫn trầy trật thu hồi nợ" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#