Một phần lợi nhuận năm 2020 là ảo?
Theo Báo cáo tài chính, IBC ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 đạt 1.951 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019. Trong đó, giá vốn tăng 37% đạt hơn 1.231 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp tại IBC giảm nhẹ 7% xuống còn 720 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản chi phí đồng loạt tăng nhẹ so với năm 2019 .
Tuy nhiên, cuối năm 2020, lãi trước thuế tại Apax Holdings vẫn tăng 4% so với năm trước đạt 108 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 16% đạt hơn 81 tỷ đồng. Có được kết quả này phần lớn là từ doanh thu hoạt động tài chính tại IBC cao gấp 3 lần năm trước, đạt 105 tỷ đồng.
Có điều, trong phần thuyết minh mục doanh thu hoạt động tài chính của Apax Holdings có ghi nhận lãi dự thu khoản đặt cọc với ông Nguyễn Ngọc Thủy gần 42,6 tỷ đồng (Ông Nguyễn Ngọc Thủy - hay còn được gọi là Shark Thủy là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Apax Holdings).
Theo tìm hiểu, khoản lãi dự thu là khoản tiền dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời. Vì vậy, khoản dự thu này không được hạch toán như một kết quả kinh doanh thật tại thời điểm lập báo cáo tài chính mà chỉ được hạch toán vào tài sản phải thu khác của doanh nghiệp.
Phải chăng một phần lợi nhuận của Apax Holding ghi nhận trong năm 2020 chỉ là “lợi nhuận ảo”, không có thật ở hiện tại.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020, tại mục các khoản phải thu ngắn hạn, Apax Holdings đang ứng cho ông Nguyễn Ngọc Thủy tổng gần 164 tỷ đồng. Trong đó, khoản đặt cọc hơn 121 tỷ đồng và lãi đặt cọc 42,5 tỷ đồng mua cổ phần của CTCP Anh ngữ Apax theo thỏa thuận chuyển nhượng ngày 2/1/2020.
Tuy nhiên, nếu soi kỹ có thể thấy số liệu có sự chênh lệch nhỏ, đó là khoản “lãi dự thu khoản đặt cọc với ông Nguyễn Ngọc Thủy” trong mục doanh thu hoạt động tài chính là gần 42,6 tỷ đồng nhưng trong mục phải thu khác lại chỉ có 42,5 tỷ đồng.
Dòng tiền tại Apax Holdings biến động, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn
Tính đến 31/12/2020, tiền và các khoản tương đương tiền tại Apax Holdings giảm mạnh 62% so với đầu năm, xuống còn 203,4 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên mức 1.078 tỷ đồng, gấp 4 lần so với đầu năm; hàng tồn kho tại Apax Holdings tăng lên mức 52,6 tỷ đồng gấp 2,5 lần so với đầu năm; nợ phải trả cũng tăng 14% lên mức gần 2.245 tỷ đồng.
Do đó, góp phần khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020 của IBC âm hơn 736,4 tỷ đồng trong khi năm 2019 dương hơn 538 tỷ đồng.
Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm gần 327 tỷ đồng trong khi năm 2019 dương hơn 51 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thường phản ánh chính xác chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm nhiều sẽ không đủ bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông. Từ đó, doanh nghiệp dễ bị kéo chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau. Và minh chứng là khối nợ tại Apax Holdings tiếp tục tăng.
Đáng lưu ý, nợ ngắn hạn tại Apax Holdings luôn vượt quá tài sản ngắn hạn trong năm 2020 và nhiều năm nay.
Cụ thể, cuối năm 2020, nợ ngắn hạn ghi nhận 1.694 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong khi đó tài sản ngắn hạn tại Apax Holdings chỉ đạt gần 1.371 tỷ đồng. Liệu Apax Holdings có đang bị mất cân bằng tài chính?
Tính đến 31/12/2020, vay nợ tại Apax Holdings ở mức gần 1.117 tỷ đồng, tăng vọt 76% so với năm 2019 .Trong đó, ngắn hạn đạt gần 572 tỷ đồng và dài hạn đạt hơn 545 tỷ đồng. BIDV hiện là chủ nợ lớn nhất tại IBC với gần 682 tỷ đồng bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, Apax Holdings còn hơn 400 tỷ đồng từ trái phiếu phát hành. Tuy nhiên, không có thuyết minh rõ ràng nên chưa rõ đây là loại trái phiếu gì.
Đặc biệt, nhằm giải quyết cơn khát vốn, sau khi kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, Apax Holdings đã công bố phát hành 2 triệu trái phiếu (tương đương 200 tỷ đồng) để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Trước đó không lâu, Apax Holdings đã huy động thêm 300 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
Apax Holdings của Shark Thủy rót 475 tỷ đồng vào dự án bất động sản?
Trong BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại Apax Holdings, tại trang số 26,27 của mục ‘phải thu khác’ có khoản ‘cầm cố, ký cược, ký quỹ’ ghi ‘các đối tượng khác’ phải thu gần 475 tỷ đồng nhưng lại không thuyết minh cụ thể. Đây là số tiền lớn nhất trong mục phải thu khác của Apax Holdings trong năm 2020, tương đương với gần 15% tổng tài sản của công ty. Trong khi đó, trong BCTC hợp nhất quý 3/2020 không tồn tại khoản phải thu đối tượng khác lên đến gần 475 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, tờ Theleader có đăng tải một bài viết với nội dung: ‘Apax Holdings rót 475 tỷ đồng vào dự án bất động sản tại Vũng Áng’. Do đó, nghi vấn đây có thể là khoản đặt cọc của công ty con là Công ty Apax English vào một dự án bất động sản tại Hà Tĩnh.
Theo đó, tờ Theleader ngày 2/3/2021 có đăng tải nội dung cho biết, vào cuối năm 2020, Apax English đã ký hợp đồng đặt cọc 475 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Nam Phong – chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng tại khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Hợp đồng đặt cọc được ký trước khi hai bên ký hợp đồng hợp tác đầu tư để hai bên xây dựng, khai thác và phát triển dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng. Nếu đến ngày 31/12/2021, hai bên không đạt được thỏa thuận hợp tác tại dự án thì Apax English sẽ nhận lại khoản đặt cọc kèm số tiền lãi thỏa thuận.
Được biết, dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng được triển khai nhằm phục vụ nhu cầu của nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Dự án có diện tích gần 42.000 m2, trong đó có các khu khu thương mại, khách sạn, siêu thị...rộng 6.534 m2 và khu căn hộ, nhà ở, bãi xe, nhà ăn rộng 10.508 m2. Hiện một phần của dự án đã được xây dựng gồm 2 tòa căn hộ 12 tầng và khu nhà hàng – hội trường – tổ chức sự kiện 5 tầng.