Hiện tại, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong khi Anh đang dần giảm mua nhiên liệu từ quốc gia này. Còn Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu than đá của Nga và đang cố gắng tìm tiếng nói chung giữa các nước thành viên về việc cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga.
EU hiện là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga, chiếm khoảng 3 triệu trong tổng số 7 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của nước này. Tuy nhiên, kể cả trước khi các nhà lãnh đạo EU thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu, nhiều công ty tại châu Âu đã bắt đầu tránh mua dầu Nga.
Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc tranh thủ mua vào dầu mỏ của Nga với giá rẻ, nhưng với số lượng ít hơn nhiều. Ví dụ, Ấn Độ đã mua ít nhất 40 triệu thùng dầu thô của Nga kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Con số này nhiều hơn tổng lượng dầu Nga mà Ấn Độ nhập khẩu trong cả năm 2021 nhưng cũng chỉ tương đương khoảng 450.000 thùng/ngày. Còn Trung Quốc cũng là một khách hàng lớn nhưng nhu cầu năng lượng tại nước này đang chịu áp lực lớn do các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt ở nhiều thành phố.
“Kể cả khi nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi hoàn toàn, lượng nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ không thể bù đắp cho sự mất mát từ phía EU”, nhà phân tích rủi ro địa chính trị Fernando Ferreira tại Rapidan Energy Group nói với Insider. “Chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ không thể giải cứu được dầu mỏ Nga”.
Theo ông Ferreira, dầu mỏ Nga hiện đứng trước 3 lựa chọn. Thứ nhất tìm kiếm các thị trường mới – một giải pháp ngắn hạn.
“Moscow sẽ cố gắng tìm kiếm khách hàng mới. Họ đã chuyển từ các khách hàng ở châu Âu sang châu Á và đến nay đã bù đắp thành công cho mọi sự gián đoạn bằng cách bán nhiều dầu hơn cho Ấn Độ và Trung Quốc”.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông cũng đang sản xuất dầu thô với chất lượng tương đương với dầu mỏ Urals hàng đầu của Nga và có lợi thế của người đi đầu. Ví dụ, Ấn Độ hiện có các thỏa thuận thương mại dài hạn cũng quan hệ chiến lược với các quốc gia vùng Vịnh, và điều này sẽ hạn chế lượng dầu mỏ mà nước này nhập từ Nga.
Trong khi đó, ông Ferreira nhận định, những rào cản trong khâu vận chuyển sẽ khiến Nga gặp khó khăn để bán thêm dầu mỏ sang châu Á, khi mà các chủ tàu và hãng bảo hiểm tránh giao dịch liên quan tới dầu của nước này do trừng phạt của EU.
Hai lựa chọn khác cho Nga là cắt giảm sản lượng hoặc xây dựng thêm các cơ sở lưu trữ dầu mỏ.
Từ tháng trước, Moscow đã bắt đầu giảm sản lượng dầu mỏ do nhu cầu nội địa giảm. Điện Kremlin dự báo sản lượng dầu của nước này sẽ giảm tới 17% trong năm nay, từ mức khoảng 11 triệu thùng/ngày.
“Một phần nhu cầu đó có thể phục hồi ít nhiều trong tháng này. Chúng tôi dự báo các nhà máy lọc dầu Nga sẽ cố gắng bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng đó, nhưng trong dài hạn, đây không phải là giải pháp bền vững so với việc tìm khách hàng mới. Họ sẽ phải vật lộn với việc này”, ông Ferreira đánh giá.
Theo ông, kịch bản tốt nhất là Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác thực sự vào cuộc và hấp thụ toàn bộ số dầu bị ảnh hưởng của Nga.
Tháng trước, Chính phủ Nga cho biết đang cân nhắc xây dựng thêm các cơ sở lưu trữ cho 700 triệu thùng dầu – tương đương 70 ngày tiêu thụ của toàn thế giới, theo Reuters.