Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, xấp xỉ 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%).
Trước đó, thông tin tại buổi tổng kết hoạt động ngành ngân hàng quý 3/2021, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm. Đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3%, tương đương có khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng này vẫn tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước khi tín dụng tháng 10/2020 chỉ tăng thêm vỏn vẹn 0,71% so với cuối tháng 9/2020. Tuy nhiên, nếu tính luỹ kế cả quý 4/2020, dư nợ tín dụng tăng từ 6,08% (cuối tháng 9/2020) lên 12,13%.
Do đó, giới chuyên môn đều nhìn nhận khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. "Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% cho cả năm 2021”, nhóm nghiên cứu tại BVSC nhận định tại một báo cáo gần đây.
Hiện các ngân hàng đều đang đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm thông qua chương trình ưu đãi vay mua nhà, mua ô tô với lãi suất khá thấp.
Điển hình, VPBank vừa triển khai chương trình lãi suất cho vay mua bất động sản từ 5,9%/năm từ nay đến 31/12/2021. Khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản có giấy chủ quyền sẽ được lựa chọn một trong các gói lãi suất 5,9%/năm cố định trong 3 tháng, 7,9%/năm trong 6 tháng, 8,3%/năm trong 12 tháng, 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng.
Để hỗ trợ khách vay trong giai đoạn này, VPBank còn chấp nhận nhiều nguồn thu khác nhau của khách hàng để chứng minh khả năng thanh toán của họ như lương, thu nhập từ hoạt động hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp do khách hàng làm chủ và các nguồn thu hợp pháp khác.
Hay tại Sacombank, ngân hàng này công bố dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua - xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng.
Tương tự, TPBank mới đây phối hợp với Ford Việt Nam triển khai chương trình ưu đãi độc quyền dành riêng cho khách hàng vay mua xe Ford Transit Luxury với lãi suất 0%/năm cố định trong 12 tháng. Ngoài ra, ngân hàng có thêm những ưu đãi khác như ân hạn trả nợ gốc 6 tháng đầu, tỷ lệ cho vay tới 75% giá trị xe và thời gian vay lên tới 7 năm.
Không chỉ ngân hàng Việt, ngân hàng nước ngoài cũng tích cực đưa ra những chương trình hấp dẫn. Trong đó, Shinhan Việt Nam tung ra gói lãi vay 5,49%/năm cho năm đầu tiên và cố định 7,8%/năm từ năm thứ 2 đến năm thứ 5, thời hạn vay lên đến 25 năm. Ngân hàng UOB Việt Nam hợp tác với Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) để triển khai chương trình cho vay lãi suất 0% đối với dự án Cardinal Court, khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi cho đến khi nhận bàn giao căn hộ khi đăng ký khoản vay tín dụng xanh tại UOB.
Nhìn chung, các mức lãi suất đã giảm khoảng 1-1,5%/năm so với trước đây. Trong bối cảnh phải chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giảm lãi suất vay kích thích người dân mua nhà trả góp là giải pháp tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thời gian qua khi việc cho vay có tài sản thế chấp nhanh hơn, độ phân tán rủi ro tín dụng cao hơn...