Dự án Khu du lịch sinh thái Đại Ninh: Hơn 257 ha rừng chui lọt… lỗ kim?

Hơn 257 ha rừng tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, sinh thái Đại Ninh bị biến mất, trong khi tại đây liên tục xảy ra tình trạng đất rừng bị tái lấn chiếm.

Một góc Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, sinh thái Đại Ninh Ảnh: Đ.K

Hơn 257 ha rừng bị mất

Diện tích rừng bị mất của Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, sinh thái Đại Ninh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) do Công ty cổ phần Đầu tư và du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư là 257,05 ha. Con số này được Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng dẫn ra tại Văn bản số 2349 ngày 30/9/2021.

Trong đó, Sở Tài chính Lâm Đồng tính toán và có Quyết định số 22 ngày 2/3/2017 phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng đối với diện tích 140,279 ha là 6,6 tỷ đồng. Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã nộp đủ số tiền này.

Đối với 116,77 ha còn lại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trữ lượng tại Văn bản 324 ngày 25/2/2011, Sở Tài chính đã phối hợp tính toán, xác định giá trị bồi thường hơn 12,1 tỷ đồng. Song Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị. Ngày 3/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 3678 giao 2 sở trên thực hiện giải quyết theo thẩm quyền.

Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn, đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh liên hệ đơn vị tư vấn chuyên ngành để kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng tài nguyên rừng trên phần diện tích đất được thuê; làm rõ đầy đủ các nội dung có liên quan tại Dự án trong trường hợp Công ty chưa thống nhất với số liệu theo Kết luận thanh tra số 2094 ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh và gửi hồ sơ về Sở trước ngày 15/7/2021 để kiểm tra, đánh giá và thẩm định lại hiện trạng tài nguyên rừng, làm cơ sở cung cấp thông tin, số liệu thiệt hại tài nguyên.

Dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục có văn bản đốc thúc, nhưng đến ngày 1/10, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh vẫn chưa hoàn thành và gửi hồ sơ kiểm kê theo đúng thời gian quy định.

“Sau ngày 15/10/2021, nếu Công ty không cung cấp, thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến bằng văn bản về số liệu rừng rà soát để Sở Tài chính tính toán và thông báo số tiền bồi thường phải nộp”, Sở Tài chính ý kiến.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, yêu cầu Công ty Sài Gòn - Đại Ninh khẩn trương hoàn thành việc kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng tài nguyên rừng tại Dự án; xây dựng kế hoạch giải tỏa thu hồi lại đất, khôi phục, trồng lại rừng trên diện tích rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ngay trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, hướng dẫn, yêu cầu Công ty Sài Gòn - Đại Ninh tăng cường lực lượng đủ mạnh để tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên phần diện tích đất, rừng được thuê, sử dụng đất đúng mục đích xin thuê; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định; hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt.

“Trường hợp Công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính, thì tổng hợp, tham mưu chấm dứt hoạt động dự án”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.

Quyết định 2020 là phù hợp quy định?

Ngày 9/10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2020 điều chỉnh diện tích đất ở đã được chuyển đổi từ năm 2012 về trạng thái đất chuyên dùng. Từ đó, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền 262.468 triệu đồng (!).

Theo Thanh tra Chính phủ, văn bản trên thể hiện sự tùy tiện và chưa phù hợp với mục tiêu là “thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh”. Từ đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh “xem lại” tính pháp lý của văn bản này.

Tiến hành rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngày 7/2/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 293 cho phép Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng 1.665.319 m2 sang đất ở (giao đất có thu tiền sử dụng đất).

Theo khoản 2, Điều 57, Luật Đất đai năm 2013, thì: “Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, đến tháng 8/2018, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (bao gồm cả tiền chậm nộp) đối với phần diện tích được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án nêu trên.

“Tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh là hơn 158.238.509.800 đồng. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thực hiện, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, đánh giá trên cơ sở thực tế thực hiện dự án, chuyển sang phương thức cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu hồi dự án”, Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính ngày 9/1/2018 nêu.

Tại các văn bản số 04 ngày 24/4/2018, số 03 ngày 20/8/2018 và ý kiến tại các biên bản làm việc ngày 18/4/2018 (Sở Tài chính chủ trì), ngày 10/5/2018 (Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì), Công ty Sài Gòn - Đại Ninh cho biết, Dự án Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh có tổng mức đầu tư và nguồn vốn thực hiện lớn; tiến độ chia ra nhiều giai đoạn, số tiền giao quyền sử dụng đất khá lớn, cùng thời điểm Công ty đầu tư xây dựng nhiều hạng mục khác.

Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đề nghị được xem xét, tạo điều kiện trước mắt cho Công ty chuyển hình thức giao quyền sử dụng đất đối với diện tích có thu tiền là 1.665.319 m2 sang hình thức thuê đất đã được cấp phép. Công ty cam kết, sau khi đầu tư hạ tầng cho toàn Dự án, sẽ báo cáo xin chuyển lại hình thức giao quyền sử dụng đất tính theo khung giá hiện hành và sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo khung giá mới.

Từ những vấn đề trên, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, pháp lý của Quyết định số 2020 của UBND tỉnh là phù hợp với quy định. Tuy nhiên, Sở này không nêu rõ là phù hợp quy định nào của pháp luật.

Rừng liên tục bị phá, tái lấn chiếm

Trong khi Công ty Sài Gòn - Đại Ninh và các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng “đôi co” về “món nợ” bồi thường tài nguyên rừng, thì ngày 17/9/2021, Đội thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng (Đội 12/TTg) thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng tiếp tục có kết quả tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn tình hình phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng trái phép trên lâm phần do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý.

Theo đó, tại tiểu khu 364, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, xảy ra 21 vị trí tái lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 28.571 m2. Trong đó, Đội 12/TTg phối hợp với Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, UBND xã Tà Hine giải tỏa 6 vị trí với tổng diện tích 7.071 m2. “Còn lại 15 vị trí với tổng diện tích 21.500 m2 do Công ty không có đủ lực lượng, công cụ để tiến hành giải tỏa. Vì vậy, tổ công tác không tiến hành giải tỏa”, kết quả kiểm tra của Đội 12/TTg nêu.

Đặc biệt, tổ công tác kiểm tra, phát hiện tại khoảnh 9, tiểu khu 364 xảy ra tình trạng ken cây (dùng vật sắc nhọn chém vào thân cây rộng từ 8-10 cm, sâu 5-7 cm và nghi đổ hóa chất). Số cây bị ken gồm 20 cây thông 3 lá (rừng tự nhiên), đường kính 20-40 cm, chiều cao vút ngọn 7-13m, tổng trữ lượng 7,159 m3. Thời điểm kiểm tra, đã có hiện tượng vàng lá phần đầu ngọn cây. Thời gian ken khoảng tháng 8/2021.

Theo Đội 12/TTg, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã kiểm tra, phát hiện lập Biên bản số 09617 ngày 5/9/2021 về phá rừng trái pháp luật chuyển Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng xác minh, điều tra, xử lý theo quy định, đồng thời lập Kế hoạch số 17 ngày 5/9/2021 về việc tuần tra, kiểm tra, mật phục, theo dõi truy tiềm đối tượng phá rừng trái pháp luật.

Tại tiểu khu 363A, 350, 641, tổ công tác ghi nhận 9 vị trí tái chiếm đất rừng với tổng diện tích 36.034 m2. Tại thời điểm kiểm tra, các vị trí vi phạm tái lấn chiếm đất rừng chưa xác định đối tượng vi phạm, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chưa lập biên bản kiểm tra.

Tại tiểu khu 350, xảy ra 2 vụ với tổng diện tích 18.800 m2. Trong đó, một vụ diện tích 16.000 m2, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh lập Biên bản kiểm tra số 09618 ngày 7/9/2021 với ông Ha Zét (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) về hành vi chiếm đất rừng trái phép.

Tại khoản 1, tiểu khu 363B xảy ra một vụ chiếm đất rừng với tổng diện tích 6.400 m2, đã tác động trồng cây cà phê. Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã lập Biên bản kiểm tra số 09619 ngày 7/9/2021 đối với ông Rơ Sã Ha Loan (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) về hành vi chiếm đất rừng trái pháp luật.

Ba vụ chiếm đất rừng trên được Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chuyển biên bản cho UBND xã Phú Hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chưa hết, tại khoảnh 3, tiểu khu 365, xã Ninh Gia cũng xảy ra một vụ tái lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 639 m2. Thời điểm kiểm tra, chưa xác định đối tượng vi phạm. Tổ công tác đã tiến hành giải tỏa toàn bộ cây trồng trái phép.

“Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã thành lập lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách theo Quyết định số 01 ngày 1/1/2021 với số lượng 10 người. Tuy nhiên, lực lượng quản lý bảo vệ rừng này không đủ số lượng, không thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng dẫn đến tình trạng phá rừng, chiếm, tái lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra trên lâm phần được giao quản lý mà chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn”, Đội 12/TTg nêu thực tế.

Tiếp nhận báo cáo trên, ngày 27/9, UBND huyện Đức Trọng đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh củng cố và tăng cường lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng trên lâm phần được giao quản lý, không để tình trạng phá rừng, chiếm, tái lấn chiếm đất rừng xảy ra mà không kịp phát hiện ngăn chặn, xử lý; phối hợp với UBND các xã liên quan tiến hành kiểm tra lập biên bản với các đối tượng chiếm, tái lấn chiếm đất rừng, chuyển hồ sơ đến UBND xã để xử lý theo quy định.

“Công ty Sài Gòn - Đại Ninh khẩn trương xây dựng kế hoạch phối hợp giải tỏa diện tích đất rừng bị tái lấn chiếm, lấn chiếm nêu trên; đồng thời tiếp tục giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên lâm phần được giao quản lý”, UBND huyện Đức Trọng đề nghị.

UBND huyện Đức Trọng cũng đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh lập kế hoạch trồng rừng trên diện tích đã tiến hành giải tỏa, cương quyết không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm khi đã tiến hành giải tỏa; thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc huyện, chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, đất đai tại dự án theo quy định.