Cách Tân Thịnh có 8.291 m2 đất không cần đấu thầu
Ngày 6.7.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khi đó là ông Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 397/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh làm nhà đầu tư dự án Khu dịch vụ Thương mại tổng hợp và cho thuê văn phòng tại Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang. Quy mô dự án là 8.291 m2. Tổng mức đầu tư 40,32 tỉ đồng.
Mục tiêu hoạt động theo quyết định chủ trương đầu tư là cho thuê văn phòng; Bán lẻ trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp.
Ngày 8.9.2017, ông Nguyễn Văn Linh tiếp tục ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư tại dự án này. Theo đó, dự án được đổi tên thành Khu nhà hàng, khách sạn, thương mại dịch vụ và cho thuê văn phòng. Phạm vi hoạt động của dự án được mở rộng sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Trong đó, quy mô đầu tư của mảng nhà hàng ăn uống, kinh doanh khách sạn (tầng 5,6) là 55 phòng, phục vụ 9.000 lượt người/năm.
Theo nguồn tin của Lao Động, hiện tại, Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh đang hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để xây dựng khách sạn 17 tầng tại lô đất 8.291m2.
Việc "lô đất vàng" ở Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang về tay Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh mà không cần qua đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch, tính cạnh tranh và nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.
Trả lời Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Cường - Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết năm 2016, Công ty Tân Thịnh có hồ sơ xin cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Thương mại (đối diện với BigC) và sau đó được chấp thuận.
PV Lao Động đặt câu hỏi: Theo quy định tại Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, dự án thương mại dịch vụ phải có ưu đãi đầu tư thì mới được giao đất không qua đấu giá, đấu thầu. Vậy dự án Khu dịch vụ Thương mại tổng hợp và cho thuê văn phòng tại Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang được giao cho Công ty Tân Thịnh có thuộc diện ưu đãi đầu tư không?
Ông Nguyễn Cường cho biết dự án này không thuộc diện ưu đãi đầu tư.
Tuy nhiên, ông Cường lý giải cho việc giao dự án, giao đất không qua đấu giá, đấu thầu là vì: “Ở thời điểm đó vị trí mà Tân Thịnh xin chấp thuận đầu tư chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa có kết cấu hạ tầng nên không thuộc diện đấu giá.
Còn về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì thời điểm đó theo Nghị định 30 của Chính phủ (Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư - PV), dự án của Tân Thịnh cũng không thuộc diện đấu thầu. Vì Điểm a Khoản 1 Điều 10 của Nghị định 30 quy định những dự án có giá trị thương mại cao muốn đấu thầu được phải lập danh mục dự án. Điều kiện lập danh mục dự án là phải ở diện cụ thể được phép thu hồi đất.
Dự án của Tân Thịnh không thuộc diện thu hồi đất theo Điều 62 của Luật Đất đai 2013 nên không ở diện đấu thầu. Thời điểm đó, UBND tỉnh thực hiện cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014”.
Ông Nguyễn Cường cho biết thêm, tất cả dự án đầu tư thương mại dịch vụ mà không ở diện thu hồi đất thì không đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu chọn chủ đầu tư. Cho nên không phải mỗi dự án của Tân Thịnh mà có rất nhiều các dự án khác thực hiện theo trình tự cấp chủ chương đầu tư.
Luật sư cho rằng trả lời của lãnh đạo Sở KH&ĐT không đúng
Luật sư Lê Minh – Văn phòng Luật sư Đồng Sơn và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định câu trả lời của đại diện Sở KHĐT Bắc Giang như vậy không đúng.
Theo Luật sư Lê Minh, Điểm d, Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định các dự án “Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp” bắt buộc phải được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Trừ trường hợp chỉ có một người đăng ký đấu giá hoặc đấu giá 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước mới giao đất, cho thuê đất mà không qua đấu giá.
“Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 thì một số trường hợp dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư cũng nằm trong trường hợp không phải thực hiện đấu giá”, Luật sư Lê Minh cho hay.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, lãnh đạo Sở KHĐT tỉnh Bắc Giang khẳng định dự án của Công ty Tân Thịnh không thuộc diện ưu đãi đầu tư.
“Nếu thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc có sự không công khai, minh bạch nhằm không thực hiện đúng quy định dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước thì cần phải xem xét xử lý người có thẩm quyền mà để vi phạm”, Luật sư Lê Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật sư Lê Minh cho biết: “Theo Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 30/2015 (Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư - PV) thì khi có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch sử dụng đất hàng năm; danh mục dự án cần thu hồi đất đã được phê duyệt. Căn cứ danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập phương án sơ bộ về bồi thường, giải phóng mặt bằng để làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, theo quy định thì trước khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chọn nhà đầu tư phải có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo Điều 53 Luật Đất đai 2013 thì: "Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng. Trả lời của đại diện Sở KHĐT là không đúng” - Luật sư Lê Minh khẳng định.