Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mang đến một thông điệp chính trị rõ ràng từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặt doanh nghiệp (DN) tư nhân vào trung tâm của sự phát triển kinh tế.
Việc đề xuất các biện pháp hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra không chỉ giảm gánh nặng hành chính, mà còn thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh, thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý kinh tế, tạo sự cân bằng giữa hoạt động kiểm soát và kiến tạo phát triển cho DN.
Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), nhìn nhận chủ trương thanh tra, kiểm tra DN một năm một lần theo Nghị quyết 68 là một tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy xu hướng giảm gánh nặng cho DN. Thực tế, tần suất thanh tra định kỳ như trong lĩnh vực thuế đã giảm, có thể 3-5 năm một lần. Việc DN phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong năm đã giảm bớt trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ông Mạnh chỉ rõ gánh nặng chính hiện nay là thủ tục hành chính. Đây mới là rào cản cần tháo gỡ để DN tư nhân phát triển, đúng tinh thần nghị quyết coi đây là lực lượng quan trọng của kinh tế. Vị lãnh đạo Sadaco dẫn chứng: “Như vấn đề thuế, khi thay đổi cơ cấu, như một bộ phận giải thể, sáp nhập, việc cập nhật thông tin thuế có thể trục trặc. Hay thủ tục liên quan đến PCCC cũng gây khó. Nhiều quy định PCCC hiện hành rất khó để DN sản xuất đáp ứng. Chính sách cần hỗ trợ, thay vì tạo rào cản. Có những giải pháp PCCC hiệu quả khác lại không được chấp nhận hoặc bị hạn chế, gây tốn kém.”
Đồng tình, TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), xem Nghị quyết 68 là giải pháp cho vấn nạn thanh tra chồng chéo.
Cải cách thủ tục hành chính nên chuyển vai trò cơ quan quản lý từ kiểm soát sang hỗ trợ DN. Giảm tần suất thanh tra, đi kèm với gỡ vướng thủ tục hành chính.
Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Sài Gòn.
Theo ông Nam, giới hạn thanh tra một lần/năm mang lại ba tác động lớn. Thứ nhất, giảm gánh nặng hành chính, chi phí tuân thủ. DN không còn phải tiếp nhiều đoàn trong năm, đặc biệt ý nghĩa với DN nhỏ và vừa giữa vô vàn khó khăn. Trước đây, mỗi cơ quan kiểm tra một lần nhưng một DN có thể tiếp nhiều đoàn. Quy định mới yêu cầu các cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu vi phạm, vẫn sẽ bị kiểm tra.
Thứ hai, phòng chống tiêu cực, lạm quyền. Hạn chế tần suất thanh tra sẽ giảm cơ hội vòi vĩnh, trục lợi, làm minh bạch hóa hoạt động thanh tra. Cơ quan quản lý không thể tùy tiện kiểm tra, mà phải dựa trên dấu hiệu vi phạm có bằng chứng chứ không chỉ đơn thư nặc danh. “Điều này buộc cơ quan thanh tra phải có kế hoạch trọng điểm, làm việc trách nhiệm hơn” - TS Nam nhấn mạnh.
Thứ ba, lợi ích thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh. DN biết trước kế hoạch sẽ có sự chuẩn bị, nâng cao tính tuân thủ, tránh bị động. Quan trọng hơn, điều này khuyến khích tính tự giác của DN tự kiểm tra nội bộ. Quy định này sẽ “ép” các ngành như thuế, môi trường, lao động phải phối hợp liên thông, nhất là khi nền tảng số đáp ứng được. Đây là bước cụ thể hóa quan điểm lấy DN làm trung tâm, thúc đẩy từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Bài học về tính minh bạch của Singapore
Câu chuyện một giám đốc người Việt chọn Singapore đặt trụ sở khu vực khi mở rộng sang Đông Nam Á đặt ra nhiều câu hỏi. Ngoài vị trí, logistics, khả năng tiếp cận đầu tư, vị giám đốc công ty này chia sẻ: “Chúng tôi qua Singapore còn vì thuế phí và thủ tục hành chính. Quy trình đăng ký kinh doanh nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả. Chính phủ Singapore còn nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ”.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương phân tích điểm cộng của Singapore là sự minh bạch, nhất quán trong hệ thống pháp luật và quản lý. Singapore thực thi pháp luật nghiêm minh, quy định rõ ràng, công khai, tạo môi trường kinh doanh dự đoán được, giúp DN an tâm hoạch định dài hạn, không lo thanh tra bất ngờ, thiếu nhất quán.
“Việt Nam có nhiều điều để học từ Singapore trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, đặc biệt với những gì Nghị quyết 68 đề cập. Như Singapore vẫn giám sát, kiểm tra, đặc biệt tài chính, an toàn lao động, môi trường. Nhưng khác biệt ở tính minh bạch, hiệu quả, tuân thủ quy trình. DN thường được thông báo trước, mục tiêu cụ thể, quy trình nghiêm ngặt, giảm xáo trộn, giúp DN hợp tác” - ông Phương chia sẻ.
Do đó, chuyên gia góp ý Việt Nam cần cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng minh bạch kế hoạch thanh tra, tập trung phòng ngừa, xử lý vi phạm có bằng chứng rõ ràng, thay vì thanh tra nhiều lần trong năm.
Để Nghị quyết 68 vào thực tiễn, TS Tô Hoài Nam đề xuất thứ nhất là ưu tiên thanh tra, kiểm tra dựa trên công nghệ thông tin. Tận dụng nền tảng số để phân tích dữ liệu, quyết định thanh tra trọng tâm, hạn chế thanh tra trực tiếp DN tuân thủ tốt.
Thứ hai, quy định rõ ràng cụ thể trường hợp nào được thanh tra. Dấu hiệu sai phạm cần liệt kê chi tiết theo nhóm hành vi, lĩnh vực để xác định rõ, tránh áp dụng tùy tiện.
Nghị quyết 68 sẽ là bước ngoặt quan trọng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý kinh tế, cân bằng giữa kiểm soát và kiến tạo phát triển.
Thứ ba, là quy trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan và người thanh tra. Cơ quan nhà nước phải tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Chỉ làm những gì pháp luật cho phép, không kéo dài thanh tra không cần thiết. Nếu thanh tra dựa trên đánh giá dấu hiệu vi phạm nhưng DN không vi phạm, người ra quyết định phải chịu trách nhiệm.
“Phải công khai, minh bạch kết quả thanh tra. Sau kết luận, cần công khai. DN làm tốt được khẳng định uy tín. DN vi phạm là lời cảnh báo chung. Công khai cũng tạo áp lực ngược lại cơ quan thanh tra, buộc họ thận trọng, khách quan” - TS Nam kiến nghị.
TS Tô Hoài Nam tin tưởng nếu các giải pháp này được thực hiện đồng bộ, Nghị quyết 68 sẽ là bước ngoặt quan trọng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý kinh tế, cân bằng giữa kiểm soát và kiến tạo phát triển.•
Sử dụng PCI là “radar” phát hiện sớm rào cản kinh doanh
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024, cho thấy những cải thiện trong điều hành kinh tế địa phương, với điểm trung vị đạt 67,67, tăng so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt ngưỡng 60 điểm, phản ánh môi trường kinh doanh thuận lợi. Chỉ số PCI gốc cũng tiếp tục cải thiện, thể hiện nỗ lực cải cách của các địa phương và sự giám sát từ DN. PCI được ví như một “radar” chính sách, giúp phát hiện sớm rào cản kinh doanh, hướng tới kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch và công bằng.
Tuy nhiên, PCI 2024 cũng làm rõ nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thanh tra môi trường. Việc tăng số lượng thanh tra và mức độ thực thi quy định khiến DN bức xúc hơn về gánh nặng thủ tục và tính công bằng. Tỉ lệ DN cho rằng thanh tra môi trường gây gánh nặng quá mức, tăng từ 5% (2023) lên 11,5% (2024). Chỉ 1,1% DN ghi nhận sự phối hợp giữa các đoàn kiểm tra và chỉ 25% đánh giá các cuộc thanh tra là công bằng, giảm 5 điểm phần trăm so với năm 2023.
Đáng báo động, tỉ lệ DN phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra môi trường đã tăng hơn gấp đôi, từ 22% (2023) lên 50% (2024). Điều này cho thấy dù thanh tra có vai trò nhất định, cần nhiều nỗ lực cải thiện quy trình và quy định để DN nhận thấy sự cần thiết và công bằng.
Ông PHẠM TẤN CÔNG, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)