Trích dẫn số liệu từ HNX và SSC, báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 9/2021 có tổng cộng 42 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 29.734 tỉ đồng.
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 13.860 tỉ đồng, tiếp đến là nhóm bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 8.394 tỉ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, có 6.210 tỉ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB. Lãi suất áp dụng cho các trái phiếu này chủ yếu là lãi suất thả nổi, dao động từ 6,4-7,9%/năm, cao hơn so với tháng 8 do các trái phiếu có kì hạn dài hơn.
Không chỉ dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu, các ngân hàng thương mại còn là bên mua trái phiếu ngân hàng lớn nhất thị trường (mua bán chéo trái phiếu cho nhau) bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua công ty chứng khoán.
Đơn cử, đối Ngân hàng VIB, ngày 16/8, VIB phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm. Trước đó, vào ngày 12/8, ngân hàng này đã phát hành riêng lẻ 150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm để tăng vốn cấp 2. Toàn bộ trái phiếu của VIB được một công ty chứng khoán và một quỹ đầu tư chứng khoán mua trọn.
Ngân hàng Quốc tế VIB.
Trước đó, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5/2021, VIB cũng đã huy động được tổng cộng 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Các lô trái phiếu này cũng được mua bởi một công ty chứng khoán trong nước, tuy nhiên VIB không nêu cụ thể nên không rõ nhà đầu tư chỉ là một hay ba công ty chứng khoán khác nhau.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 đã soát xét, tính đến 30/6/2021, ngân hàng VIB đã có hơn 28.760 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng 13% so với đầu năm. Như vậy, chỉ sau 6 tháng, đã có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng trái phiếu của VIB lưu hành. Trong đó, trái phiếu từ 12 tháng đến dưới 5 năm ghi nhận 26.550 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát hành trái phiếu, VIB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng 32% về tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng. VIB tiếp tục nằm trong top các ngân hàng hoạt động hiệu quả với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hơn 29%.
Tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản VIB ghi nhận hơn 285.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 11%. Huy động tiền gửi từ khách hàng đạt hơn 170.000 tỷ đồng, tăng 13%, CASA tăng trưởng gần 20%. Mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp trên 85% danh mục cho vay của ngân hàng, giúp VIB duy trì vị thế ngân hàng có tỷ lệ bán lẻ hàng đầu thị trường.
Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II (CAR) ở mức 10,6% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 73%. Chi phí hoạt động trong quý III tương đương quý II với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì ở mức 39%.
Chân dung Chủ tịch ngân hàng VIB
Ông Đặng Khắc Vỹ sinh ngày 7/6/1968 tại Nghệ An, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ông Vỹ được biết nhiều nhất trong kinh doanh với tư cách là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Quốc tế VIB từ năm 2013. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Mỏ địa chất tại Đại học Thăm dò địa chất Matxcova - Nga sau đó lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Học viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.
Ngày 16/10/2013, Ông được Đại hội đồng Cổ đông bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và hiện giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị khóa VIII (2019 – 2023). Trước đó, ông Vỹ giữ vai trò là Ủy viên Hội đồng Quản trị từ khóa I đến khóa VI.
Ngoài nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB, ông còn là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Mareven Food Holding Limited – doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng đầu tại các thị trường Đông Âu, Tây Âu.
Bên cạnh đó, ông Đặng Khắc Vỹ là Tiến sĩ Kinh tế, quản trị hoạt động kinh doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á và châu Âu.
Đối với doanh nghiệp Mareven Food có trụ sở tại Nga, ông Đặng Khắc Vỹ đảm nhiệm vai trò là người sáng lập kiêm vị trí chủ tịch. Mareven Food - công ty sản xuất mì ống và khoai tây nghiền lớn nhất xứ sở bạch dương, đồng thời cũng là một trong những tập đoàn lớn của người Việt tại nước ngoài.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng VIB.
Mareven Food được xem là doanh nghiệp đầu tiên tại Nga sản xuất mì ăn liền và hiện công ty này đang dẫn đầu thị trường với thương hiệu Rolton. Nhà máy Rolton của Mareven Food từng lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất tại Nga trong bảng xếp hạng do Forbes công bố.
Hiện nay, sản phẩm mì gói và khoai tây nghiền của Rolton đang được xuất khẩu đi 33 quốc gia khác trên thế giới.
Vào năm 2009, nhà sản xuất mì lớn nhất Nhật Bản là Nissin Foods Holdings đã chi ra 26,8 tỷ Yên (240 triệu USD) để mua lại 33,5% cổ phần của Công ty Angleside - đây là công ty con của Mareven Food).
Theo Nissin thì Mareven Food là nhà sản xuất mì gói lớn nhất nước Nga khi đó với doanh thu hàng năm đạt khoảng 270 triệu USD, lợi nhuận ròng khoảng 20 triệu USD/ năm.
Mặc dù là một trong những doanh nhân duy trì hoạt động kinh doanh chính tại thị trường Đông Âu nhưng ông Đặng Khắc Vỹ vẫn có sức ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB).
Cùng với các doanh nhân nổi tiếng như: Ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn... thì ông Vỹ cũng nằm trong nhóm “đại gia Đông Âu”. Hầu hết doanh nhân kể trên đều đã chuyển hoạt động kinh doanh về Việt Nam nhưng ông Vỹ vẫn duy trì thị trường kinh doanh chính tại Nga.
Tại Việt Nam, vị doanh nhân này sớm gây dựng sự nghiệp khi tham gia sáng lập nhà băng VIB đồng thời là một trong những cổ đông lớn nhất tại đây. Tính đến cuối năm 2018, ông Vỹ là cổ đông cá nhân lớn nhất tại VIB khi sở hữu 4,99% vốn ngân hàng.
Ngoài bản thân sở hữu 4,99% vốn ngân hàng thì vợ và con trai ông Vỹ cũng đang nắm giữ lần lượt 4,94% và 4,98% ngân hàng VIB. Tổng cộng, gia đình vị doanh nhân họ Đặng này đang nắm giữ trực tiếp gần 15% vốn ngân hàng VIB.
Mặc dù nắm giữ phần vốn nhiều nhất ngân hàng nhưng từ khi VIB thành lập ông chỉ đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT và phải đến năm 2013 mới chính thức lên giữ chức chủ tịch.
Vào giai đoạn 2011 - 2013 tình hình tài chính của VIB có nhiều biến động khiến các chỉ số tụt giảm mạnh từ đó ngân hàng phải tiến hành cải tổ lại bộ máy nhân sự cấp cao cũng như thay đổi chiến lược kinh doanh.
Trước năm 2010, các chỉ số tài sản, huy động và cho vay của ngân hàng VIB liên tục tăng trưởng từ 50% cho đến trên 70%/năm. Nhưng đến năm 2011, chỉ tiêu tổng tài sản ngân hàng chỉ tăng 3,3%, dư nợ cho vay chỉ tăng 4,2%, lợi nhuận thu về cùng năm giảm chỉ còn 19%.
Đến năm 2012, tổng tài sản ngân hàng giảm tới 33% từ mức 95.950 tỷ đồng xuống còn 65.023 tỷ đồng. Tương tự thì hình thức cho vay và huy động vốn cũng giảm lần lượt 22% và 12%.
Việc suy giảm tài sản này nguyên nhân chính là ngân hàng phải cắt giảm 80% các hoạt động và số dư của thị trường liên ngân hàng. Một phần nữa là do nợ xấu khiến cho ngân hàng phải giảm quy mô tài sản.
Năm 2013, Ngân hàng VIB đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 81 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất trong hàng chục năm kinh doanh. Đây cũng là năm hoạt động của VIB mức chạm đáy
Sau hơn 2 năm tụt giảm mạnh về quy mô tài sản thì sau năm 2013, các chỉ số của VIB đã tăng trưởng trở lại. Đây cũng là giai đoạn nhà băng này có sự tăng trưởng mạnh nhất với các chỉ số tài chính và lợi nhuận tăng hai số mỗi năm.
Hiện tại, Nhà băng này thuộc nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô tầm trung với tổng tài sản 175.658 tỷ đồng, mức tài sản này tương đương với các ngân hàng như HDBank, Lienvietpostbank, Eximbank, TPBank.
Trong 6 năm trở lại đây, VIB đã duy trì được đà tăng trưởng tài sản trung bình ở mức 15%/năm, cho vay và huy động vốn tăng lần lượt là 24% và 18%/năm. Từ năm 2016, ban lãnh đạo của nhà băng này cũng đề ra chiến lược chuyển đổi với tên gọi là VIB 2.0. Chính việc thay đổi chiến lược này đã giúp ngân hàng cải thiện được hiệu quả kinh doanh.