Bài 2: UBND, PGD huyện Lương Sơn đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý?

Ngoài những bất cập trong sử dụng nguồn vốn ngân sách của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn đã được Tạp chí Đời sống và Pháp luật phản ánh ở bài trước, trong hoạt động đấu thầu của đơn vị này cũng tồn tại nhiều vấn đề như trúng thầu sát giá, đơn vị trúng thầu là những công ty quen mặt…Những thông tin này đã được tạp chí gửi đến UBND, PGD huyện Lương Sơn nhưng gần một tháng trôi qua, hai đơn vị này vẫn “bặt vô âm tín”.

Tỷ lệ tiết kiệm ngân sách sau đấu thầu gần như không đáng nhắc đến

Ngoài dấu hiệu “đội giá” thiết bị gấp nhiều lần giá thị trường như đã phản ánh ở bài trước, quá trình đấu thầu của PGD huyện Lương Sơn còn tồn tại nhiều vấn đề, với nhiều trùng hợp “ngẫu nhiên” đến kỳ lạ.

Để rộng đường dư luận, PV đã rà soát 14 gói thầu do PGD huyện Lương Sơn tổ chức trong năm 2020. Kết quả cho thấy, ở các gói thầu do đơn vị này tổ chức có một điểm chung là giá trúng thầu rất sát so với giá dự toán. Thường chỉ thấp hơn vài triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm quá thấp này là cơ sở đầu tiên để hình thành nghi vấn thông thầu.

14 gói thầu với thực chi ngân sách là 10.964.974.000 đồng (Mười tỷ chín trăm sáu mươi tư triệu chín trăm bảy tư nghìn đồng). Sau đấu thầu, số tiền PGD huyện Lương Sơn tiết kiệm được cho ngân sách gần như không đáng nhắc đến chỉ 36.186.000 đồng. Điều đáng nói là, 100% các gói thầu đều trúng rất sát giá.

1
14 gói thầu cực sát giá dự toán của PGD huyện Lương Sơn

Tại gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học cho các Trường Tiểu học và THCS Nhuận Trạch, Tân Vinh, Cửu Long”, trị giá 729 triệu đồng của Công ty Mai Dung bỏ sát giá đến không tưởng, chỉ thấp hơn dự toán ban đầu vẻn vẹn 850.000 đồng.

2
Quyết định 1233, phê duyệt kết quả cho gói thầu của Công ty Mai Dung

Một trong những dấu hiệu bất thường nhất tại PGD huyện Lương Sơn là các công ty “quen mặt” liên tiếp thay nhau trúng thầu. Theo khảo sát của PV, chỉ tính riêng trong năm 2020, Công ty Mai Dung đã trúng 5 gói thầu mua sắm, với tổng trị giá 3, 634 tỷ đồng. Một đơn vị khác là Công ty CP nội thất Mái Ấm Việt trúng 3 gói, với tổng trị giá 2,09 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực xây dựng, chỉ duy nhất nhà thầu là công ty TNHH xây dựng và thương mại Minh Hải có thể “chen chân”. Đơn vị này trúng 3 gói thầu xây dựng với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài những đơn vị trên, vẫn còn một số đơn vị nữa, song “điệp khúc” bỏ thầu sát giá vẫn luôn quen thuộc trong các gói thầu của PGD huyện Lương Sơn. Đây là cơ sở rõ ràng nhất cho nghi vấn có sự dàn xếp, thỏa thuận giữa các bên trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

3

Hai điểm trường Ttiểu học và THCS Liên Sơn, nơi công ty Mai Dung trúng thầu

Vậy, những công ty “quen mặt” trong các gói thầu của PGD huyện Lương Sơn hoạt động ra sao? Đây là một trong những nghi vấn mà dư luận đặt ra, từ những bất thường trong quá trình đầu thầu của PGD huyện Lương Sơn.

Theo thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Mai Dung được thành lập ngày 27/09/2018. Địa chỉ theo đăng ký kinh doanh tại số 10, khu dịch vụ 3, tổ dân phố 2, phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Là doanh nghiệp mới thành lập, song công ty này liên tiếp trúng đến 17 gói thầu mua sắm. 15 gói thầu trong số này là tại địa bàn huyện Lương Sơn. Trong đó, có đến 7 gói trúng thầu tại PGD huyện Lương Sơn. Đặc biệt, 100% các gói thầu của công ty này đều trúng sát giá đến mức khó tin, thường chỉ chênh lệch vài triệu đồng so với giá dự toán.

Một nhà thầu “quen mặt” khác là công ty TNHH xây dựng và thương mại Minh Hải. Doanh nghiệp này khiến dư luận không khỏi choáng khi “bao sân” toàn bộ các gói thầu xây lắp của PGD Lương Sơn. Cụ thể, năm 2020, PGD Lương Sơn mời 3 gói thầu xây lắp thì cả 3 gói này đều thuộc về Công ty Minh Hải, với tỷ lệ thắng thầu tuyệt đối là 100%. Trong đó, 2 gói thầu là chỉ định, gói thầu còn lại trị giá 1.272.943.000 đồng, công ty này cũng trúng với mức giá thấp hơn dự toán chỉ 1,7 triệu đồng. 

UBND, PGD huyện Lương Sơn có dấu hiệu buông lỏng quản lý

Thực tế hiện nay, lợi dụng lỗ hổng trong lĩnh vực tổ chức đấu thầu, xây dựng dự toán của các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều nhà thầu đã “đi đêm” với  đơn vị tư vấn, thẩm định hồ sơ nhằm qua mặt chủ đầu tư để rút ruột nguồn vốn Ngân sách Nhà Nước. Nhiều sai phạm trong hoạt động đấu thầu như nâng khống giá, vi phạm các quy định đấu thầu đã bị cơ quan chức năng phát giác. Đáng chú ý, nhiều đối tượng vi phạm là cán bộ nhà nước, mang trọng trách phục vụ nhân dân, bảo vệ nguồn vốn đầu tư lại chính là kẻ tiếp tay, bao che cho sai phạm nhằm mục đích trục lợi cho bản thân.

4
 

Với mong muốn kịp thời phản ánh để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ, cung cấp thông tin, bằng chứng cho UBND; PGD huyện Lương Sơn. Tuy nhiên, không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía hai đơn vị này.

Trên cương vị là Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Văn Danh sẽ phải là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trên địa bàn quản lý. Thông thường, khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, người đầu tiên tích cực vào cuộc rà soát sẽ phải là vị Chủ tịch huyện này. Tuy nhiên, thật khó hiểu cho thái độ im lặng của cả UBND và PGD huyện Lương Sơn.

Trước những dấu hiệu bất thường trong hoạt động đấu thầu tại PGD huyện Lương Sơn, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình khẩn trương vào cuộc làm rõ những thông tin báo chí phản ánh, cũng như giải đáp những thắc mắc của dư luận.