Bán tháo lan tràn, cổ phiếu điện tỏa sáng

Nỗi ám ảnh nguy cơ FED tăng lãi suất cao đột biến mấy ngày tới khiến chứng khoán toàn cầu rực lửa và thị trường trong nước sáng nay cũng phản ứng rất mạnh. Nhà đầu tư bán tháo lan tràn, tuy chưa khiến giá cổ phiếu sàn hàng loạt nhưng mức giảm cũng rất mạnh. Riêng nhiều cổ phiếu điện vẫn tỏa sáng...
Số ít mã nhỏ có màu xanh giữa một biển cổ phiếu đỏ rực.
Số ít mã nhỏ có màu xanh giữa một biển cổ phiếu đỏ rực.

Nỗi ám ảnh nguy cơ FED tăng lãi suất cao đột biến mấy ngày tới khiến chứng khoán toàn cầu rực lửa và thị trường trong nước sáng nay cũng phản ứng rất mạnh. Nhà đầu tư bán tháo lan tràn, tuy chưa khiến giá cổ phiếu sàn hàng loạt nhưng mức giảm cũng rất mạnh. Riêng nhiều cổ phiếu điện vẫn tỏa sáng...

Chứng khoán toàn cầu cuối tuần qua phản ứng sốc với báo cáo lạm phát tháng 5 của Mỹ. Báo cáo này xuất hiện ngay trước thềm kỳ họp của FED trong tuần này. Do đó rất nhiều phân tích dự báo FED có thể thực hiện bước nâng lãi suất mạnh ngoài dự đoán của thị trường.

Trong nước, không có thông tin bất lợi nội tại nào. Tuy nhiên khả năng thị trường quay đầu điều chỉnh sau nhịp phục hồi kỹ thuật 3 tuần trước được quan tâm nhiều hơn. Yếu tố bên ngoài trở thành chất xúc tác đúng thời điểm, chưa kể loạt cổ phiếu trụ giảm quá sâu khiến VN-Index thể hiện ra là mức giảm cực mạnh.

VN-Index kết phiên sáng đã bốc hơi 41,97 điểm tương đương 3,27%. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường chạm đáy giữa tháng 5 vừa qua. Mức giảm này có thể gây tâm lý bất an cho bất cứ nhà đầu tư nào.

Độ rộng của VN-Index lúc chốt phiên sáng chỉ còn 42 mã tăng/435 mã giảm. Trong đó, 27 cổ phiếu giảm sàn, 220 mã giảm trên 3%, 56 mã giảm trong biên độ 1-2%.

Trong bức tranh bảng điện đỏ rực rỡ, nhóm cổ phiếu điện đang tỏa sáng đúng nghĩa, khi tăng giá tích cực. POW tăng 2,67%, PC1 tăng 1,12%, NT2 tăng 5,28%, KHP tăng 3,88%, VSH tăng 3,04%, GEG tăng 1,63%...

POW đang giữ vị trí số 1 toàn thị trường về thanh khoản trong sáng nay với trên 28 triệu cổ giao dịch tương đương 427,5 tỷ đồng. Trong rổ VN30 còn có thêm GAS tăng 0,34%. Hai mã này trở thành những cổ phiếu nâng đỡ VN-Index duy nhất đáng kể. VN30-Index kết phiên sáng giảm 3,37% với 2 mã tăng/28 mã giảm. Số giảm này chỉ có 3 cổ phiếu giảm dưới 2% là NVL, KDH, VIC, còn lại toàn trên 2%, 20 mã giảm trên 3%...

VN-Index vẫn ở vùng điểm số thấp nhất buổi sáng.
VN-Index vẫn ở vùng điểm số thấp nhất buổi sáng.

Với độ rộng quá hẹp, các cổ phiếu tăng giá ngược dòng hôm nay không mang tính đại diện. Ngay cả nhóm cổ phiếu điện cũng có nhiều mã nhóm thủy điện, điện than vẫn đỏ. Tuy vậy những cổ phiếu giảm với biên độ nhỏ cũng có thể xem là ổn hơn phần còn lại, khi sức ép bán ra không “đánh quỵ” bên mua.

Trong Top 20 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường phiên sáng, trừ POW tăng và GEX giảm nhẹ 0,63%, còn lại đều rơi rất sâu, phiến từ 4-6% giá trị. Cổ phiếu ngân hàng giảm rất sâu, với 18/27 mã giảm trên 3%, riêng EIB lại tăng 1,32%. Nhóm dầu khí hóa chất có DPM, DGC, DCM, PVS thanh khoản lớn và giá giảm mạnh.

Nhìn chung sáng nay thị trường chịu áp lực bán khá mạnh, khi thanh khoản tăng vọt 36% trên hai sàn niêm yết, đạt 11.785 tỷ đồng, cao nhất 32 phiên sáng. HoSE tăng giao dịch 39% so với sáng phiên trước, đạt 10.605 tỷ đồng, VN30 tăng giao dịch 54%.

Khía cạnh tích cực của áp lực bán tháo mạnh này đẩy thanh khoản tăng, là khối lượng tháo chạy chạm tới các lệnh mua chờ giá thấp. Do bên bán vẫn đang xả và giá cổ phiếu cũng như các chỉ số dừng ở sát giá thấp nhất nên vẫn chưa rõ lực bán đã đạt mức tối đa trong ngày hôm nay hay chưa. VN-Index mới nhích cao hơn đáy khoảng 0,57% và ở VN30 là 0,46%. Ví dụ trong rổ VN30 cũng chỉ mới có lác đác một số mã đảo chiều với biên độ tốt như GAS tăng từ đáy buổi sáng khoảng 4%, GVR đảo chiều hơn 2%, POW đảo chiều 5,8%, SSI, STB, TPB, VCB phục hồi hơn 1%.

Khối ngoại không đóng vai trò gì trong nhịp lao dốc nặng này. Tổng giá trị bán trên sàn HoSE chỉ là 799,9 tỷ đồng, chiếm 7,3% tổng giao dịch của sàn. Mức bán ròng ghi nhận 109 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-152,7 tỷ). Đối với cổ phiếu, khối này mua ròng, tập trung vào GAS (+42,4 tỷ), DCM (+37,6 tỷ), DPM (+26,4 tỷ), MWG (+31,4 tỷ), GMD (+29 tỷ), MSN (+26,4 tỷ)... Phía bán ròng có DGC (-41,9 tỷ), VCB (-31,7 tỷ), VIC (-30,4 tỷ), SSI (-25,4 tỷ).