Bánh trung thu chứa năng lượng calo "khủng" đến mức nào?

Theo chuyên gia dinh dưỡng, ăn bánh trung thu nếu không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến tăng cân, rối loạn đường huyết...

Bánh nướng, bánh dẻo chứa bao nhiêu calo?

Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trong mỗi rằm tháng 8, song một chiếc bánh nướng hay bánh dẻo lại chứa mức năng lượng calo "khủng". Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia ước tính, một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 g cung cấp 566 calo. Trong đó, 16,3 g đạm, 6,6 g lipid, 110,2 g glucid.

banh-trung-thu-1662017260.jpg Bánh nướng, bánh dẻo trong Tết Trung thu chứa năng lượng calo "khủng"

Một bánh dẻo một trứng đậu xanh khoảng 176 g chứa 648 calo, năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò.

Một bánh nướng 176 g thập cẩm cung cấp 706 calo, trong đó 18 g đạm, 31,5 g lipid và 87,5 g glucid.

Một chiếc bánh nướng đậu xanh một trứng 176 g cung cấp 648 calo. Cụ thể, 19,5 g protid, 27,5g lipid, 80,6 g glucid.

Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc một bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (một bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.

Bệnh nhân tiểu đường có cần kiêng tuyệt đối bánh trung thu?

Theo PGS. TS. BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, ăn bánh trung thu nếu không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến tăng cân, rối loạn đường huyết, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

banh-trung-thu-2-1662017316.jpg Khi ăn bánh trung thu có thể dùng kèm thêm trà giúp tiêu hóa tốt hơn

Riêng với người bệnh tiểu đường cần lưu ý đến khả năng tăng đường huyết sau ăn, do thành phần carbohydrate có trong bánh dễ hấp thu và đi nhanh vào máu.

Người bị bệnh tiểu đường phải cẩn trọng khi ăn bánh trung thu, tuy nhiên không có nghĩa là không được ăn, mà có thể ăn với tinh thần thưởng thức, ăn hạn chế. Mỗi lần ăn chỉ một phần nhỏ (1/8-1/4 cái bánh) hoặc sử dụng bánh cho người ăn kiêng.

Tinh bột trong một nửa chiếc bánh trung thu tương đương với một bát cơm, vì thế nếu đã ăn bánh thì nên cắt bớt lượng cơm tương ứng để giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể.

Sau khi ăn một ít bánh trung thu, nên ăn thêm rau xanh để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột ngột, mất kiểm soát. Vì chất xơ có trong rau xanh sẽ giúp ngăn chặn quá trình tăng lượng đường huyết sau khi ăn bánh.

Khi ăn bánh trung thu có thể dùng kèm thêm trà giúp tiêu hóa tốt hơn, đồng thời hạn chế lượng chất béo tích tụ trong cơ thể.

Chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, do bánh chứa nhiều năng lượng clo nên không nên ăn bánh trung thu khi đói, bởi đó là lúc cơ thể có khả năng ăn nhiều hơn so với bình thường. Việc ăn vô tội vạ sẽ khiến cân nặng tăng nhanh.

Đồng thời, không nên ăn bánh trung thu vào buổi tối. Buổi tối, cơ thể vận động ít, khả năng tiêu hao năng lượng thấp hơn ban ngày. Nếu ăn, khả năng chúng tích tụ lại thành mỡ thừa rất cao.

Cách tốt nhất là nên chia bánh thành nhiều phần nhỏ và thưởng thức vào từng thời điểm trong ngày. Khi ăn, cần cân nhắc tổng thể năng lượng, thành phần dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt. Từ đó điều chỉnh lượng thức ăn khác trong ngày. Ngoài ra, kết hợp tập luyện để tăng mức tiêu hao năng lượng trong cơ thể.