Thận trọng với bánh trung thu handmade, tiềm ẩn nguy cơ hại sức khỏe người dùng

Hiện nay, bánh trung thu handmade (tự làm, thủ công) đang có sức tiêu thụ lớn tại thị trường và mang lại khoản lợi nhuận vô cùng lớn. Tuy nhiên, loại bánh này lại đang đặt ra câu hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm?
299844367-604379194557269-8472625889086604612-n-1638-1660893285.jpg
 

 

Bánh trung thu là sản phẩm vô cùng quen thuộc đối với nhiều gia đình tại Việt Nam. Mặc dù gần một tháng nữa là đến Tết Trung thu, trên thị trường đã tràn ngập các loại bánh nướng, bánh dẻo với rất nhiều kiểu dáng phong phú. Ngoài những mẫu bánh Trung thu vị truyền thống, còn xuất hiện nhiều loại bánh với nhân bánh đa dạng và hương vị độc đáo.

Đặc biệt, tại thị trường trong nước, các sản phẩm bánh trung thu handmade đang nổi lên như một xu hướng (trend) thu hút rất nhiều khách mua hàng. Những loại bánh này được quảng cáo là tự làm với hình thức bắt mắt, kiểu dáng phong phú, chất lượng và hương vị mới lạ, đặt làm theo yêu cầu. Hơn hết, bánh Trung thu handmade được người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá thành rẻ hơn so với bánh trung thu truyền thống. 

Tuy nhiên, với bánh Trung thu tự làm, việc người chế biến sử dụng nguyên liệu có bảo đảm chất lượng hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.  Bởi hiện nay, nhiều sản phẩm bánh trung thu được bán trôi nổi trên mạng xã hội, người tiêu dùng khó có thể tìm được thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. 

Gần đến Tết Trung thu, trong các hội, nhóm trên mạng xã hội tràn ngập bài rao bán bánh trung thu handmade với muôn vàn lời quảng cáo hấp dẫn. Không chỉ chào bán cho khách hàng lẻ, bánh trung thu handmade còn được bán với số lượng lớn đi khắp các tỉnh, thành phố nếu khách mua có nhu cầu. Thêm vào đó, việc đặt hàng và giao hàng khá nhanh chóng, giá cả mềm hơn bánh bán ở cửa hàng...khiến nhiều người tiêu dùng quyết định chọn mua.

Liệu những sản phẩm bánh trung thu này liệu sẽ đảm bảo được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Bởi vì, bên cạnh những người buôn bán có tâm, vẫn còn một số người chạy theo lợi nhuận, mua nguyên liệu rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chất lượng, thậm chí có nguy cơ cao nhiễm các vi sinh vật gây bệnh về sản xuất.

Bánh trung thu handmade - không chất bảo quản có an toàn?

Chỉ cần lên Google gõ từ khóa "bánh Trung thu handmade" là xuất hiện hàng loạt lời chào bán sản phẩm với lời quảng cáo “có cánh”. Không khó để nhận ra các quảng cáo về nguyên liệu làm bánh của những cá nhân, cơ sở tự nhận là “handmade” đều chung đặc điểm “3 không”: không nguồn gốc, xuất xứ; không nhãn mác; không hạn sử dụng.

Bánh trung thu handmade được rao bán công khai trên các mạng xã hội với các mức giá khác nhau mà không rõ nguồn gốc của các nguyên liệu.

Bánh trung thu handmade được rao bán công khai trên các mạng xã hội với các mức giá khác nhau mà không rõ nguồn gốc của các nguyên liệu.

Hầu hết các cơ sở kinh doanh bánh trung thu handmade đều đánh vào tâm lý lo ngại việc sử dụng chất bảo quản trong các sản phẩm đóng hộp để quảng cáo các sản phẩm của mình. Nói cách khác, không phải ở hương vị, màu sắc hay kiểu dáng, mà “nói không với chất bảo quản và phụ gia thực phẩm” mới là thông điệp “hút khách” nhất của dòng bánh đối với người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không ít cơ sở làm bánh handmade, nguyên liệu lại được nhập từ... khắp nơi. Từ các chợ truyền thống đến mạng xã hội, nguyên liệu làm bánh trung thu được bày bán đủ loại với hàng trăm sản phẩm làm nhân bánh. Có rất nhiều loại nhân đã chế biến sẵn như đậu xanh, đậu đỏ, sữa dừa, thập cẩm… hay các sản phẩm đơn lẻ như trứng muối, lạp xưởng. Người mua có thể lấy số lượng bao nhiêu tùy ý, trong trường hợp lượng hàng tới 50kg hay 1 tạ thì chỉ cần báo trước 1 - 2 ngày. 

Nắm được tâm lý người tiêu dùng, một số cửa hàng kinh doanh online còn bán nguyên liệu làm nhân bánh đã được sơ chế, người tiêu dùng chỉ cần nặn bánh theo hình và cho vào lò nướng là có ngay bánh Trung thu.

Chị Nguyễn Thị Phương, (Hà Đông, Hà Nội) có bài học từ việc này, khi Tết Trung thu năm ngoái đã mua bánh Trung thu nhà làm rao bán trên mạng và chất lượng bánh không như quảng cáo.

“Vì là một tín đồ thích ăn bánh trung thu nên tôi có đặt trên mạng bánh trung thu handmade vì trông bắt mắt mà giá thành lại rất  rẻ. Thế nhưng sau khi ăn xong tôi bị đau bụng mấy ngày liền, nên từ giờ không dám mua bánh trung thu handmade trên mạng xã hội nữa" chị Phương cho biết

Tìm trên Facebook, một tài khoản tự giới thiệu chuyên làm các loại bánh nướng, bánh dẻo nhân cốm xào, cốm xào sốt lá nếp, nhân thập cẩm xá xíu… giá từ 40 nghìn đến 90 nghìn đồng/cái. Thế nhưng, khi biết chúng tôi có ý định hỏi thêm thông tin về chất lượng bánh thì chủ cửa hàng chỉ có biết: " Tôi bán lâu năm rồi, khách hàng tin tưởng thì mua thôi".

Hầu hết bánh Trung thu handmade được bán trên thị trường hiện nay đều không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Chủ nhân các sản phẩm này đều đảm bảo bánh được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản hay phụ phẩm công nghiệp. Bánh cũng được quảng cáo là “số lượng có hạn” hay “đã có người đặt mua hết” tạo nên cơn sốt “cháy hàng”.

Trên một số trang thương mại điện tử, “sàn” bánh Trung thu online cũng đã khởi động. Nhiều website đang rao bán sản phẩm bánh Trung thu với mức giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Đa số những sản phẩm này là bánh làm thủ công (handmade). Thế nhưng khi được hỏi về chất lượng của những sản phẩm này thì không ai dám trả lời.

Bánh trung thu handmade được bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử.

Bánh trung thu handmade được bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, bánh trung thu mini nội địa nước ngoài được quảng cáo có giá chỉ từ 2.300 - 3.500 đồng/chiếc đang "làm mưa, làm gió" trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.Trên thực tế, loại bánh gán mác hàng “nội địa”, xách tay đã xuất hiện khá nhiều ở thị trường trong nước. Loại mặt hàng này thường được rao bán nhộn nhịp trên mạng xã hội trước mỗi dịp Tết Trung thu. 

Bao bì chủ yếu là in bằng chữ nước ngoài, không có nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt. Theo tìm hiểu và giới thiệu của chủ shop thì đây là bánh trung thu nhập khẩu xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc… nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Khó khăn hơn, nhiều tài khoản rao bán online trên các trang mạng xã hội, điện tử… nên rất khó để khách hàng có thể kiểm tra được rõ nguồn gốc, chất lượng bánh.

Bánh trung thi mini được bán tràn lang trên các chợ mạng.

Bánh trung thi mini được bán tràn lang trên các chợ mạng.

Được biết, phần lớn các loại bánh Trung thu này do người bán làm theo mùa vụ nên không có bất kỳ loại giấy phép nào, kể cả giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng. Vậy liệu bánh này có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?

Thận trọng khi mua bánh Trung thu ''handmade''

Theo các chuyên gia chuyên ngành thực phẩm, bánh Trung thu handmade dù được làm theo phương pháp thủ công truyền thống, nhưng nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc thì sẽ rất khó đảm bảo an toàn vệ sinh một cách toàn diện, trong khi nhiều nguyên phụ liệu làm bánh, quy trình làm bánh hoàn toàn không được kiểm soát và giám sát bởi một cơ quan hay tổ chức nào.

Cảnh báo của các chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy những tác hại đến sức khỏe khi ăn phải những loại bánh trung thu sử dụng chất tạo màu, tạo mùi... đặc biệt là loại bánh màu sắc sặc sỡ, vì loại bánh này thường sẽ sử dụng rất nhiều loại màu khác nhau. Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn.

Khi bị nhiễm vào cơ thể, nó có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng… Không chỉ có vậy, việc ăn bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không bảo đảm còn có thể gây ngộ độc cấp tính.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, các chuyên gia khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Đáng lưu ý, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Ngoài ra, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.