Báo động tình trạng công ty kế toán kiểm toán không chấp hành đúng, đủ luật pháp

Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát gần 100 hồ sơ công ty kiểm toán kế toán về việc chấp hành luật thì có tới 40% hồ sơ không đạt và yếu kém...
Sau quá trình kiểm tra, hiện có 8/23 công ty kiểm toán không đạt yêu cầu và trên 40% hồ sơ có chất lượng không đạt yêu cầu và yếu kém.

Sau quá trình kiểm tra, hiện có 8/23 công ty kiểm toán không đạt yêu cầu và trên 40% hồ sơ có chất lượng không đạt yêu cầu và yếu kém.

Thông tin trên được cục chuyên ngành của Bộ Tài chính công bố tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập" diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/10, tại TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do bộ này phối hợp với Viện kế toán công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) tổ chức.

NHỨC NHỐI TÌNH TRẠNG CÔNG TY KIẾM TOÁN KẾ TOÁN VI PHẠM

Theo ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), ngày 23/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 633/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2030, theo hướng hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán - kiểm toán theo hướng công khai, minh bạch, phản ánh trung thực, đầy đủ các thông tin, số liệu kinh tế - tài chính trong nền kinh tế.

Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng hai dự thảo Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập, với mục đích đánh giá, xây dựng các chính sách mới đảm bảo phù hợp với giai đoạn mới, bối cảnh kinh tế - xã hội và đạt được hiệu quả về mặt quản lý nhà nước trong hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về kế toán - kiểm toán. Cùng với đó, vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quy trình kế toán kiểm toán cũng như hoạt động quản lý.

Thông tin rõ hơn về công tác giám sát hoạt động kiểm toán độc lập, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, cho biết trong năm 2022, có 23 công ty kiểm toán nằm trong danh sách kiểm tra; trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra 9 công ty kiểm toán đối với những đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán kiểm tra 14 công ty.

Đáng chú ý, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thay đổi cách thức lựa chọn hồ sơ kiểm toán và "nhắm" vào những đơn vị nhiều rủi ro.

Theo đó, thời gian qua, nhiều báo cáo tài chính sai lệch lộ diện, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư trong khi các cơ quan kiểm toán độc lập không làm tròn trách nhiệm. Vì vậy, những doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho những đơn vị có nhiều lùm xùm tai tiếng như Louis Holdings, FLC... hay những đơn vị được kiểm toán khác có nhiều bất thường như: khoản phải thu lớn, tăng vốn lớn hoặc dư lượng tiền mặt lớn... khiến doanh nghiệp làm dịch vụ kiểm toán dễ gặp nhiều rủi ro, đều rơi vào "tầm ngắm" kiểm tra.

Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý "giằng" chặt tại chốt này nhưng cũng chỉ có tác dụng hậu kiểm, khó lòng chặn được gian lận, bê bối bởi doanh nghiệp đã làm sai ngay từ đầu.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, đoàn kiểm tra có hai nhiệm vụ chính. Cụ thể, một là, kiểm tra hệ thống nhằm đánh giá liệu doanh nghiệp kiểm toán có thiết lập và tổ chức thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo yêu cầu của Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1 hay không.

Hai là,kiểm tra kỹ thuật, dựa trên xét đoán chuyên môn của đoàn kiểm tra, lựa chọn 4-6 hồ sơ rủi ro để kiểm tra, nhằm đánh giá việc thực hiện các hợp đồng có được lập kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan hay không.

Sau quá trình kiểm tra, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, đối với hồ sơ kiểm toán không đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nằm trong danh sách kiểm tra ngay trong 1-2 năm tới, nếu như vẫn không đạt yêu cầu sẽ bị đình chỉ hành nghề.

Còn xếp loại 4 ngay lập tức bị đình chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán và sẽ có thời gian ít nhất 12 tháng để khắc phục.

Cũng theo bà Nhung, về các hình thức xử lý vi phạm, có nhiều các hình thức cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ ngành nghề, thu hồi giấy phép, đây là những biện pháp thông thường của cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các vi phạm nghiêm trọng hơn, sẽ bị cấm tham gia hoạt động kiểm toán, hoặc truy cứu xét nghiệm hình sự đối với vụ việc được phán quyết ở tòa án.

Kết quả kiểm tra cho thấy hiện có 8 công ty không đạt yêu cầu và có 15 công ty đạt yêu cầu. Đồng thời, tổng số hồ sơ được kiểm tra là 98; trong đó, 8 hồ sơ đạt mức tốt, 49 hồ sơ đạt yêu cầu; hồ sơ không đạt yêu cầu là 35 và 6 hồ sơ có chất lượng yếu kém, chiếm tỷ lệ trên 40%.

Với hồ sơ kiểm toán không đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nằm trong danh sách kiểm tra trong 1-2 năm tới, nếu vẫn không đạt yêu cầu sẽ bị đình chỉ hành nghề. Còn xếp loại 4 ngay lập tức bị đình chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán và sẽ có thời gian ít nhất 12 tháng để khắc phục.

Đáng chú ý, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cũng phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ 20 kiểm toán viên trong kiểm toán những đơn vị có lợi ích công chúng do ký 10 hồ sơ không đạt yêu cầu trong lĩnh vực chứng khoán.

Đặc biệt, với 6 hồ sơ yếu kém, kiểm toán viên bị không được kiểm toán doanh nghiệp trên sàn nữa và cũng sẽ không được kiểm toán cho 12 tháng tiếp theo. "Hiện 12 kiểm toán viên đang trong quá trình xem xét đình chỉ hành nghề", bà Nhung cho biết thêm.

Hết tháng 11, sau khi hoàn thành các cuộc kiểm tra sẽ họp giám đốc các công ty kiểm toán để rút kinh nghiệm cũng như thông báo về kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, "kết quả kiểm tra sẽ không đại diện cho toàn bộ hoạt động của các công ty kiểm toán ở Việt Nam bởi đoàn kiểm tra chỉ tập trung vào kiểm tra các doanh nghiệp có vấn đề, còn trước đây kiểm tra định kỳ, kết quả không trầm trọng như vậy", bà Nhung nhấn mạnh.

Kỳ vọng về hình thức, mức xử lý vi phạm răn đe hơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, gợi ý cần phải xử lý vi phạm mạnh hơn về mặt kinh tế cũng như về mặt hành nghề đối với các doanh nghiệp.

Theo thông lệ, các quốc gia đều xử lý vi phạm về mặt kinh tế, đánh vào "túi tiền", khiến các ông chủ của các doanh nghiệp kiểm toán sẽ phải chịu thiệt hại với những hồ sơ không đạt yêu cầu. Trong khi hiện nay pháp luật tại Việt Nam đặt nặng về vấn đề xử lý phần hành nghề với những người trực tiếp ký các báo cáo. Tuy nhiên, mức xử phạt sẽ phải răn đe hơn.

"Khi đó sẽ tăng cường kỷ cương trên thị trường tài chính và hoạt động kiểm toán sẽ lành mạnh và đóng góp vào sự minh bạch thông tin trên thị trường", bà Nhung nhấn mạnh.

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP VÔ CÙNG QUAN TRỌNG

Dưới góc nhìn của tổ chức nghề nghiệp quốc tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính, kế toán, ông Jon Hooper, Quản lý cấp cao và Chuyên gia quản lý kỹ thuật của ICAEW, khẳng định rằng việc đánh giá chất lượng kiểm toán độc lập là điều quan trọng. Bởi kiểm toán độc lập giúp tăng mức độ tin cậy với các thông tin tài chính, tăng cường chất lượng báo cáo tài chính và tính minh bạch của các doanh nghiệp, từ đó, hút dòng vốn đầu tư vào công ty mạnh mẽ hơn.

Cũng theo đại diện ICAEW, tùy mỗi quốc gia, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan quản lý chứng khoán hoặc các cơ quan độc lập khác, có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra các cuộc kiểm toán đối với những doanh nghiệp lớn, những đơn vị có lợi ích công chúng, tuy nhiên, điều cần lưu ý là phải đảm bảo tính độc lập.

Đồng quan điểm trên, ông Alex Ooi Thiam Poh, Giám đốc điều hành Ban giám sát kiểm toán (AOB) tại Malaysia, cho rằng báo cáo tài chính đã được kiểm toán rất quan trọng đối với thị trường vốn, giúp thị trường vốn công bằng, minh bạch hơn và nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

Toàn cảnh tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập".

Toàn cảnh tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập".

Ông Alex Ooi Thiam Poh cho biết Ban giám sát kiểm toán được thành lập năm 2010 nhằm thiết lập một khuôn khổ giám sát kiểm toán hiệu quả và mạnh mẽ ở Malaysia; đồng thời, đẩy mạnh niềm tin vào chất lượng và độ tin cậy của các báo cáo tài chính đã được kiểm toán ở Malaysia. Cùng với đó, quản lý kiểm toán viên của các đơn vị có lợi ích công chúng...

Tại Malaysia, Ban giám sát kiểm toán trực thuộc Ủy ban chứng khoán Malaysia. Đáng nói, chuẩn mực kiểm toán do Viện Kế toán Malaysia đặt ra, còn Ban giám sát kiểm toán tham gia với tư cách quan sát viên và giám sát sự tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của kiểm toán viên.

Ngân hàng Thế giới cách đây vài năm cũng từng đưa ra khuyến nghị với Bộ Tài chính nên thành lập cơ quan giám sát đặt dưới Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cho tới khi có hành lang pháp lý mới, biến cơ quan này thành một đơn vị độc lập.

Kết luận tại tọa đàm, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán đưa ra những gợi mở về việc thành lập mô hình tổ chức quản lý giám sát theo hướng độc lập và có thể huy động nguồn nhân lực từ bên ngoài hay ít nhất có vai trò độc lập, tương tự Malaysia và nhiều quốc gia khác.