Tại sơ kết báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, đối với thị trường bảo hiểm có tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm tăng 14,25% so với cùng kỳ năm 2021; tổng tài sản tăng 21,17%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 23,24%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 10,32% so cùng kỳ.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và dự thảo Đề án chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030.
Như vậy có thể thấy trong nửa đầu năm nay, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm đã sôi động hơn nhiều sau 2 năm dịch bệnh, nhưng kéo theo đó là chi phí trả quyền lợi bảo hiểm cũng tăng cao. Điều này dường như đúng so với báo cáo cập nhật thị trường của SSI Research trước đó. SSI Research dự báo kết quả lợi nhuận quý 2 có thể sẽ không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó tỷ lệ bồi thường tại các công ty bảo hiểm sẽ quay lại mức bình thường. Đáng chú ý, với việc thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng. Ngoại trừ ABI (Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp - Agribank), tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu.
Tuy nhiên, ABI vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 43 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 50% so với quý 2/2021. Doanh thu thuần của công ty ghi nhận mức gần 470 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng 26% lên mức 332 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ABI ghi nhận doanh thu thuần đạt 924 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải trình về biến động của lợi luận sau thuế, ABI cho biết, do trong quý 2, bồi thường tăng 42,9 tỷ đồng tương đương tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, bồi thường tăng 89,3 tỷ đồng tương đương tăng 34,7% so với cùng kỳ. Tính đến 30/6/2022, ABI có tổng tài sản gần 3.500 tỷ đồng trong đó tài sản ngắn hạn là hơn 3.200 tỷ đồng.
Chi phí bồi thường tăng
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Long Khánh, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, năm 2021 là một năm tương đối thuận lợi cho nhiểu doanh nghiệp bảo hiểm khi sự bùng phát của dịch bệnh đem lại lợi ích cho họ về mặt chi phí. Các yêu cầu giãn cách kéo dài từ cuối quý 2/2021 khiến hoạt động kinh tế, sản xuất định trệ, người dân ra đường ít hơn giúp giảm thiểu các yêu cầu bồi thường do tai nạn và khám chữa bệnh. Các doanh nghiệp cũng hoạt động cầm chừng khiến số vụ tai nạn lao động hoặc thiệt hại tài sản nhờ đó cũng giảm hẳn.
Tuy vậy, xu hướng này bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2022 khi các hoạt động kinh tế phần nào đã ổn định trong những tháng đầu năm 2022, các nhà máy tại các trung tâm công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương,... cũng đã hoạt động từ 90 - 95% công suất. Điều này sẽ khiến lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, đặc biệt là những doanh nghiệp có tỷ trọng lớn doanh thu đến từ kênh bán hàng truyền thống.
“Trong năm 2022, ngành bảo hiểm sẽ hưởng lợi từ hồi phục kinh tế, đồng thời lãi suất gia tăng giúp cải thiện lợi nhuận tài chính, nhưng chi phí bồi thường tăng cao sẽ khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không được duy trì ở mức tốt như trong năm 2021. Do vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản và tài sản tốt, lợi thế cạnh tranh bền vững, có sự thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, đồng thời có mức định giá phù hợp. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét những cổ phiếu có câu chuyện thoái vốn trong năm nay”, ông Khánh nói.
Còn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chuyên gia từ SSI Research cũng khuyến nghị, Luật kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, điều này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển lâu dài của thị trường bảo hiểm. Nhưng cần có giải pháp cải thiện cấu trúc tổng thể của thị trường, do lợi nhuận hiện tại không được phân bổ hợp lý trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành.
Cụ thể, các công ty môi giới bảo hiểm được hưởng biên lợi nhuận cao vào thời điểm hiện tại, trong khi các công ty kinh doanh bảo hiểm đang phải chịu gánh nặng với việc giải quyết bài toán quản lý chi phí, như định phí bảo hiểm, cấp đơn, chi phí bán hàng, hoa hồng, cho đến việc quản lý hợp đồng và quản lý bồi thường, cũng như tránh trục lợi bảo hiểm và khả năng sinh lời ở mức thấp.