"Bảo kê" để trục lợi từ dự án công
Trong bài viết "Bảo kê sai phạm, thất thoát tiền tỉ: Bí mật bên trong những dự án đắp chiếu", Báo Lao Động đã phản ánh việc các dự án bỏ hoang, các khu đất công đang được các đối tượng cho thuê trái phép, thu lời hàng tỉ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra, ghi nhận, chúng tôi liên tục nghe các đối tượng nhắc lại nhiều lần cụm từ "đã được bảo kê" bởi những người của chính quyền địa phương.
Trong vai người có nhu cầu thuê mặt bằng, chúng tôi được giới thiệu đến lô đất 11E6 của Tổng công ty cơ khí xây dựng Coma - một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng nằm tại quận Nam Từ Liêm - Hà Nội.
Khác với vẻ ngoài hoang tàn trơ trọi của dự án khi nhìn từ đường Phạm Hùng, ở mặt sau thuộc phố Nguyễn Quốc Trị, một tổ hợp kinh doanh quán ăn, cà phê, trà đá… hoạt động tấp nập ngay giữa ban ngày.
Mặc dù nằm trong vùng cấm, nhưng việc buôn bán diễn ra công khai. Không hiểu vì lý do gì, việc kinh doanh này không gặp trở ngại từ phía chính quyền địa phương. Người bán hàng tại đây cho biết, khách đến ăn nhiều đến mức "làm không xuể".
Khi ngỏ ý muốn thuê mặt bằng, chúng tôi được những người thuê mặt bằng trong khu đất khẳng định, chủ thực sự tại đây là "sếp lớn". Tuy nhiên người này không thích ra mặt nên chúng tôi được kết nối đến gặp một người phụ nữ tên Điều - người được đánh giá là "vùng đất cấm" của khu đất.
Nói với phóng viên Lao Động, bà Điều cho biết, mình là người duy nhất được “uỷ quyền” cho thuê khu đất công của Tổng công ty cơ khí xây dựng Coma.
Theo người này, nếu ai có nhu cầu thuê sẽ thu tiền tháng đầu tiên ở mức 6 triệu, sau đó tăng lên 8 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài khoản tiền thuê này, phải bỏ thêm 1,5 triệu đồng/tháng làm phí "bôi trơn" cho công an.
"Thích thì cứ vào, ngày nào bảo cô. Đất này là của thành phố. Một mình cô chui vào đây được, cô phải có vai vế này khác. Cô làm được 11 năm rồi. Đây là của người bên Công an quận Ba Đình nhưng không ra mặt, chỉ có cô với ông bảo vệ nữa. Nếu cô làm cho thì chắc chắn 100%. Cô là người thu. Kể cả những xe gửi vào, cô cũng là người thu".
Giải thích về lý do dù làm bảo vệ nhưng vẫn có thể bảo kê cả khu đất, người phụ nữ này cho biết, thực chất bà là nhân viên bảo vệ của công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Sơn Tùng.
Thông qua việc đấu thầu bảo vệ lô đất 11E6 của Tổng công ty cơ khí xây dựng Coma - một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, với các mối quan hệ với chính quyền, những người này ngang nhiên cho thuê mặt bằng và kinh doanh dù không được phép.
Khi phóng viên thắc mắc về tính pháp lý khi thuê mặt bằng, bà Điều thừa nhận, hoạt động cho thuê mặt bằng, kinh doanh buôn bán tại đây đều không hợp pháp. Việc kinh doanh núp dưới bóng bảo vệ khu đất. Sở dĩ tình trạng này có thể diễn ra cả chục năm nhờ sự "nương tay" của chính quyền địa phương.
"Công khai thế nào được? Đây chỉ là bãi bảo vệ, gõ Google Công ty Sơn Tùng bảo vệ là ra ngay. Bảo vệ này đứng đằng sau lấy cớ thôi, cũng không được phép cho thuê".
Trục lợi hàng trăm triệu mỗi tháng?
Khi phóng viên ngỏ ý không muốn thuê mặt bằng tại đây, bà Điều lập tức móc nối, giới thiệu với người đàn ông trông coi dự án Vicem Tower của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
Sau khi giới thiệu với chúng tôi về những vị trí có thể cho thuê bên trong dự án Vicem Tower, người đàn ông này tiết lộ nhiều chiêu trò của những đối tượng trục lợi đất công.
"Khu đất bà Điều cho thuê là của Nhà nước. Bà Điều cho thuê được là do có người bảo kê. Lô đất Nhà nước đã thu hồi và cấm, tại sao cả thiên hạ này không được ai vào trong đó mà bà Điều lại được ngồi vào đó để làm?".
Người này tiết lộ, bằng việc kinh doanh hàng quán và cho thuê lại mặt bằng, trông xe, mỗi tháng dự án bỏ hoang này có thể mang lại cho những đối tượng bảo kê cả trăm triệu đồng. Để việc kinh doanh trót lọt, những người này cho biết phải thường xuyên “nộp sản” đúng cửa.
"Mỗi ô bên đó, bà Điều cho thuê 10 triệu đồng, rồi bà ấy "nộp sản” cho công an phường, 4 triệu đồng/tháng. Mỗi lần đi nộp, bà ấy lại đưa bao thư cho tôi kiểm tiền.
Bà ấy làm quán nước, khách đông. Người ta làm văn phòng, trưa người ta xuống. Chỗ bán bánh mì, mỳ tôm, từ sáng đến tối liên tằng khoảng 40-50 người. Mỗi tháng chỉ tính riêng lợi nhuận từ việc buôn bán này khoảng hơn 100 triệu đồng".
Kinh doanh trong các khu đất không được phép liệu có chỉ diễn ra bên trong các dự án bỏ hoang? Việc móc nối với những cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để khai thác, sử dụng đất sai quy định liệu có phải là sự thật, mời các bạn đón xem trên Báo Lao Động.