Bất chấp nỗi lo lãi suất và tăng trưởng, chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng có thêm một phiên tăng mạnh

Giới phân tích cho rằng xu thế phục hồi của thị trường trong tuần này có liên quan nhiều hơn đến sự bán tháo trước đó, và mức độ bấp bênh vẫn còn rất lớn...

chung-khoan-my-1662779509.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/9), với cả ba chỉ số chính cùng hoàn tất tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp, khi nhà đầu tư rót mạnh tiền vào cổ phiếu bất chấp nỗi lo về lãi suất tăng và kinh tế giảm tốc. Giá dầu cũng giữ đà hồi phục trong phiên này, khi mối lo về sự khan hiếm nguồn cung lấn át triển vọng ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 377,19 điểm, tương đương tăng 1,19%, chốt ở 32.151,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,53%, đạt 4.067,36 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,11%, chốt ở 12.112,31 điểm.

Sự phục hồi này của giá cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra sau đợt bán tháo bắt đầu từ giữa tháng 8. Thị trường đã đương đầu với áp lực giảm lớn từ sự thắt chặt của chính sách tiền tệ và những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng xu thế phục hồi của thị trường trong tuần này có liên quan nhiều hơn đến sự bán tháo trước đó, và mức độ bấp bênh vẫn còn rất lớn do lạm phát còn cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường bật tăng lại một chút như thế này. Việc này liên quan nhiều đến kỹ thuật”, chiến lược gia Jack Janasiewicz thuộc Natixis Investments Managers Solutions phát biểu. “Tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu chúng ta có khởi động tuần tới với sức mạnh tốt hơn một chút, rồi sau đó chững lại và giảm một chút khi chuẩn bị đón báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall sẽ là báo cáo CPI tháng 8 dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Thị trường kỳ vọng báo cáo này sẽ cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục dịu đi. Chỉ số CPI được dự báo tăng 8,1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 8,5% ghi nhận trong tháng 7 và 9,1% của tháng 6.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Wells Fargo kỳ vọng lạm phát toàn phần có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn căng thẳng nhất, và sự giảm nhiệt này chủ yếu do giá xăng giảm.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số S&P 500 cùng tăng trong phiên này, dẫn đầu là các nhóm dịch vụ truyền thông, công nghệ, năng lượng và tiêu dùng không thiết yếu.

Tuy nhiên, tâm trạng của giới đầu tư ở Phố Wall vẫn đang bị phủ bóng bởi khả năng Fed chuẩn bị có thêm một đợt nâng lãi suất mạnh tay. Ngày thứ Sáu, ông Christopher Waller - một thành viên Hội đồng Thống đốc Fed - nói rằng ngân hàng trung ương này cần quyết liệt trong vấn đề tăng lãi suất cho dù việc này có thể khiến tăng trưởng kinh tế chịu ảnh hưởng bất lợi. Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, bà Esther George, nói không chế lạm phát có thể sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Những tín hiệu cứng rắn này được các quan chức Fed đưa ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Năm khẳng định Fed “cam kết mạnh mẽ” với mục tiêu đưa lạm phát về tầm kiểm soát.

Các nhà giao dịch trên thị trường tài chính Mỹ hiện đặt cược khả năng 90% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 20-21/9. Cách đây 1 tuần, sự đặt cược này mới đạt mức 57% - theo dữ liệu từ công cụ Fedwatch Tool của sàn CME.

Cả tuần này, Dow Jones tăng 2,8%; S&P 500 tăng 3,8%; và Nasdaq tăng 4,2%.

Sắc xanh cũng là màu chủ đạo của chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 1,52%, trong khi MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu tăng 1,73%.

chung-khoan-my-2-1662779580.png Diễn biến chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay.

Đồng USD giảm giá xuống mức thấp nhất 1 tuần so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt, trong khi đồng Euro bật tăng trở lại mức ngang giá so với đồng bạc xanh.

Cuối phiên, chỉ số Dollar Index còn dưới 109 điểm, giảm 0,5% so với mức chốt của phiên trước, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong vòng 4 tuần trở lại đây. Đồng Euro tăng giá 0,5% so với USD, đạt 1,0045 USD đổi 1 Euro.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin bất ngờ tăng mạnh, vượt mốc 21.000 USD. Lúc hơn 6h sáng nay (10/9) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 21.344 USD, tăng 10,5% so với cách đó 24 tiếng và tăng gần 7% so với cùng thời điểm này của tuần trước.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 3,69 USD/thùng, tương đương tăng 4,1%, đạt 92,84 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 3,25 USD/thùng, tương đương tăng 3,9%, chốt ở 86,79 USD/thùng.

Giá dầu dược hỗ trợ bởi nỗi lo suy giảm nguồn cung. Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo nước này sẽ cắt hẳn cung cấp dầu thô và khí đốt đối với những quốc gia áp trần giá lên năng lượng Nga. Ngoài ra, động thái cắt giảm nhẹ hạn ngạch sản lượng của liên minh OPEC+ vào đầu tuần cũng có tác dụng nâng đỡ giá dầu.

“Trong những tháng tới đây, phương Tây sẽ phải đương đầu với rủi ro mất nguồn cung năng lượng từ Nga và giá dầu có thể tăng vọt”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil phát biểu.

Dù vậy, giá dầu tiếp tục chịu áp lực giảm từ chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, các đợt phong toả chống Covid nối tiếp nhau ở Trung Quốc và nguy cơ xảy ra suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Đây cũng là những nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh kể từ khi đạt mức 139 USD/thùng hồi tháng 3 - thời điểm chiến tranh Nga-Ukraine mới nổ ra.

Phiên tăng mạnh ngày thứ Sáu không đủ để dầu tránh được một tuần giảm giá. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,6% và giá dầu WTI giảm 0,3%.