Nhiều chuyên gia, luật sư lên tiếng
Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Nhật Nam), được thành lập vào 02/7/2019 - tính đến nay có lẽ là doanh nghiệp có tuổi đời lâu nhất trong loạt doanh nghiệp sử dụng mô hình “đầu tư nhỏ lợi tức lớn” để kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp đã có ít nhất 10 văn phòng đại diện, rải rác tại nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Vũng Tàu, Hà Nội, Hồ Chí Minh…
Dù tự quảng cáo là một doanh nghiệp chuyên về bất động sản, nắm trong tay nhiều quỹ đất “vàng” tại các vị trí đắc địa, là bước đệm cho doanh nghiệp này phát triển, mở rộng thị trường kinh doanh, tạo thành một hệ sinh thái với các loại hình kinh doanh như: khách sạn, spa, karaoke, nhà hàng, cà phê… Thế nhưng, trong thị trường bất động sản, Nhật Nam chưa bao giờ là một cái tên nổi hay là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này.
Thậm chí, ngay cả trong các lĩnh vực khác mà doanh nghiệp này tự liệt kê (khách sạn, spa, karaoke, nhà hàng, cà phê…) thì Nhật Nam cũng chưa từng được đánh giá cao, còn chẳng hề có tiếng tăm.
Thực tế, Nhật Nam “nổi tiếng” và được biết đến rộng rãi là bởi hình thức “đầu tư nhỏ lợi tức lớn” mà doanh nghiệp này áp dụng. Sau 3 năm hoạt động và nhiều lần điều chỉnh lợi nhuận, hiện nay Nhật Nam cam kết chi trả đến 168% giá trị các gói đầu tư mà các nhà đầu tư tham gia vào công ty này.
Với tỷ lệ lợi nhuận cao đến bất thường, Nhật Nam nói riêng và các doanh nghiệp sử dụng mô hình huy động vốn “đầu tư nhỏ lợi tức lớn” đã bị không ít các phương tiện truyền thông báo chí, luật sư, chuyên gia tài chính lên tiếng cảnh báo. Có thể kể đến như:
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh khi trả lời báo chí cho hay, trên thực tế thì để có được mức lãi suất như Nhật Nam cam kết là điều vô cùng khó khăn nếu không nói là bất khả thi đối với bất kỳ loại hình kinh doanh thuần túy nào, vì để đạt được 20%/năm đã là ước mơ với các nhà đầu tư lão luyện trên thế giới. Mức lãi suất của Nhật Nam hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính chân thực, hiệu quả và dẫn đến tỷ lệ rủi ro khá cao cho các nhà đầu tư trong trường hợp mọi thỏa thuận đều đúng quy định pháp luật.
Luật sư Truyền nhấn mạnh, hình thức đầu tư này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong hợp đồng ký kết thì chỉ ghi số tiền đầu tư của nhà đầu tư mà không ghi rõ những tài sản đang có của bên A là Nhật Nam, không ghi rõ trách nhiệm của bên A và lĩnh vực đầu tư cụ thể. Bởi vậy, đây không phải là một hợp đồng hợp tác kinh doanh đơn thuần mà nội dung hướng đến việc huy động vốn bằng hình thức vay không có thế chấp.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, việc doanh nghiệp huy động vốn theo kiểu đảm bảo an toàn, chỉ có lãi, mục đích là xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư. Các hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng thường vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng, sử dụng tên rất kêu, trả lãi suất lên đến hàng trăm phần trăm, thậm chí còn vẽ vào đó những quỹ đầu tư của nước ngoài để lôi kéo nhà đầu tư.
Rất ít khi một doanh nghiệp nào trong khi muốn kêu gọi nhà đầu tư để đầu tư vào kinh doanh lại tự "vạch áo xem lưng" chỉ ra những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi đi đầu tư. Vậy nên, doanh nghiệp thường hứa hẹn "trên mây" với nhà đầu tư.
Vì sao Nhật Nam vẫn sống khỏe?
Rõ ràng, những rủi ro khi đầu tư vào Nhật Nam là có, thậm chí việc huy động vốn của doanh nghiệp này còn không đúng quy định pháp luật. Thế nhưng, không những không phá sản mà doanh nghiệp này còn phát triển mạnh mẽ, mở thêm văn phòng đại diện, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.
Chẳng nhẽ, các cơ quan chức năng dù biết hay nắm rõ hoạt động của Nhật Nam hay các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức tương tự lại “nhắm mắt làm ngơ”?
Thực tế, dù hoạt động của Nhật Nam đã rõ như ban ngày, thế nhưng lại khó có thể can thiệp để xử lý. Bởi lẽ, mối quan hệ giữa các nhà đầu tư với Nhật Nam là quan hệ dân sự, kinh tế - được tạo lập bởi sự đồng thuận của đôi bên. Trong khi đó, các quy định hiện nay lại không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế này.
Ngoài cơ quan lập pháp ra, không có bất cứ cơ quan tổ chức cá nhân nào được phép hình sự hóa, được phép biến những hành vi thuộc quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế trở thành tội phạm. Nếu sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, không lựa chọn đúng văn bản pháp luật đối với những tình huống pháp lý, đặc biệt là lại sử dụng luật hình sự trong các quan hệ dân sự, kinh tế, đó là những sự việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ pháp luật.
Bên cạnh đó, bản thân các nhà đầu tư khi không nhận được tiền theo đúng cam kết của doanh nghiệp thường không có động thái mạnh mẽ nào, như “làm rùm beng” trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay nhờ tới sự can thiệp của cơ quan chức năng. Bởi lẽ, các nhà đầu tư lức này lo sợ doanh nghiệp sẽ không trả lại tiền nếu có sự can thiệp của bên thứ ba.
Lúc này, các nhà đầu tư chỉ có thể trông chờ vào việc doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng hợp tác, thậm chí chấp nhận việc phân chia lợi nhuận bị kéo dài, với mong muốn thu hồi vốn. Chỉ rất lâu sau khi doanh nghiệp “biến mất”, các nhà đầu tư biết không thể lấy lại tiền mới tìm đến luật sư, cảnh sát và các cơ quan chức năng.
Như vậy, các chuyên gia kinh tế, luật sư hay thậm chí cơ quan chức năng cũng chỉ có thể đưa ra lời cảnh báo về những rủi ro khi đầu tư vào Nhật Nam, quyết định tham gia hay không lại do chính các nhà đầu tư. Liệu các nhà đầu tư có thể "khôn ngoan" hơn Nhật Nam trong cuộc chơi này?