Bắt tạm giam giám đốc CDC Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh về tội tham ô tài sản

BS Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng, bị bắt về tội tham ô tài sản liên quan việc mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Chiều 20-6, cơ quan công an đã tiến hành bắt giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng - bác sĩ (BS) Tôn Thất Thạnh (sinh năm 1964, thường trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội tham ô tài sản.

Ngoài việc bắt ông Thạnh, cơ quan công an còn bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1982, nghề nghiệp bác sĩ, trú quận Hải Châu; trưởng Khoa xét nghiệm CDC Đà Nẵng).

Ông Tôn Thất Thạnh bị bắt về tội tham ô. Ảnh: NGÔ QUANG

Riêng bà Lê Thị Kim Chi (sinh năm 1986, nghề nghiệp bác sĩ, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng; nhân viên Khoa xét nghiệm CDC Đà Nẵng) cũng bị khởi tố cùng về tội tham ô tài sản nhưng được cho tại ngoại.

Cùng với đó, Công an TP Đà Nẵng cũng thực hiện việc khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với các bị can Tôn Thất Thạnh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Đây là vụ việc liên quan đến mua sắm kit test Việt Á. Cụ thể, những người này vi phạm pháp luật trong hoạt động mua sắm, sử dụng sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại CDC Đà Nẵng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2020 đến 2021, ông Thạnh cùng các đồng phạm móc nối với Công ty Việt Á nhằm mục đích tham ô số vật tư xét nghiệm COVID-19 đã được TP Đà Nẵng mua để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, ông Thạnh đã chỉ đạo Nhàn và Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục ngàn mẫu gộp xét nghiệm COVID-19 thành mẫu đơn để nâng khống, biến hàng chục ngàn bộ kit được tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á.

Theo điều tra ban đầu, ông Thạnh và các đồng phạm móc nối với Công ty Việt Á tham ô số vật tư xét nghiệm COVID-19 đã được TP Đà Nẵng mua để phòng chống dịch, tài sản bị chiếm đoạt trị giá hơn 4 tỉ đồng.

Số vật tư dôi dư sau khi “làm phép”, ông Thạnh cùng các đồng phạm đã chuyển lại cho Công ty Việt Á để chiếm đoạt số tiền với giá trị thỏa thuận. Cơ quan điều tra xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá hơn 4 tỉ đồng.

Trước đó, sáng 20-6, tại buổi gặp gỡ báo chí, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan tới vụ việc kit test Việt Á trên địa bàn TP Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên (Giám đốc Công an TP Đà Nẵng) cho rằng có thông tin đề cập Đà Nẵng mua của Việt Á 275 tỉ đồng, trong khi con số đúng là hơn 248 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này cũng nằm trong top 5 địa phương mua sắm của Việt Á nhiều nhất. Ngoài mua kit test thì TP còn mua các sinh phẩm khác để phục vụ chống dịch.

Cũng theo tướng Viên, Công an TP sẽ đi sâu, làm rõ những dấu hiệu vụ lợi của các nhóm nhỏ. “Nếu phát hiện dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc tham ô, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh” - tướng Viên nói.•

Khởi tố nhiều bị can liên quan kit test Việt Á

Tính đến nay, đã có hơn 60 bị can bị Bộ Công an và công an các địa phương khởi tố trong vụ án liên quan đến kit test Việt Á.

Trong đó, hai bị can từng giữ chức vụ cao nhất là ông Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ KH&CN). Cả hai bị xác định suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có các vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

Phan Quốc Việt (trái) cùng loạt bị can đã bị khởi tố trong vụ án. Ảnh: CA

Cũng tại hai bộ trên, nhiều bị can từng là lãnh đạo cấp cao đã bị khởi tố: Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ KH&CN), Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ KH&CN), Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế)…

Hàng loạt bị can khác là giám đốc CDC các địa phương, cán bộ các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đã bị khởi tố. Công an nhiều địa phương đã khởi tố vụ án, Bộ Công an đang điều tra mở rộng và con số hơn 60 bị can liên quan vụ Việt Á vẫn sẽ chưa dừng lại.