BĐS là lĩnh vực rủi ro, biến động lớn, cần chọn lọc dự án để "bơm" tín dụng

Giá bất động sản biến động lớn, do đó không đặt vấn đề siết tín dụng bất động sản, nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm có thể thu hồi được gốc và lãi.

Không có chuyện siết tín dụng bất động sản

Theo các chuyên gia cho rằng, BĐS là một lĩnh vực rủi ro, giá BĐS biến động lớn, do đó không đặt vấn đề siết tín dụng BĐS, nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn hệ thống và có thể thu hồi được gốc và lãi.

Việc chuyện siết, quản tín dụng vào BĐS thời gian qua nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước câu hỏi dòng vốn vào BĐS đã "nóng" tới mức phải siết lại hay chưa?, chia sẻ tại buổi tọa đàm vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng BĐS.

BĐS là lĩnh vực rủi ro, biến động lớn, cần chọn lọc dự án để "bơm" tín dụng - Ảnh 1

Việc chuyện siết, quản tín dụng vào BĐS thời gian qua nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước câu hỏi dòng vốn vào BĐS đã "nóng" tới mức phải siết lại hay chưa? (Ảnh minh họa)

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng nói: “Dòng tiền tín dụng vẫn đầu tư cho BĐS thời gian vừa qua, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung chưa cao bằng, điển hình 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 14%, còn của BĐS là 12%. Đây là một trong những định hướng của Chính phủ và NHNN".

Ông Hùng chia sẻ, nói đến tín dụng BĐS, phải đặt vấn đề đây là ngành nghề hết sức quan trọng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực phụ trợ, vì vậy việc đầu tư cho lĩnh vực BĐS luôn được quan tâm. NHNN đã thực hiện chức năng chính sách tiền tệ và việc “bơm” vốn cho lĩnh vực BĐS.

BĐS là lĩnh vực rủi ro, biến động lớn, cần chọn lọc dự án để "bơm" tín dụng - Ảnh 2

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước). (Ảnh: Hữu Nghị).

Quan điểm của NHNN, dòng tiền ngắn hạn đầu tư trung dài hạn tới đây cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. Các ngân hàng xem xét, đầu tư vào lĩnh vực BĐS cần chọn dự án đầu tư có hiệu quả, dự án đầy đủ tính pháp lý thì mới cho vay.

Đồng thời, ông Hùng cũng chia sẻ: "NHNN vẫn chỉ đạo ngân hàng thương mại đầu tư vào lĩnh vực BĐS, tuy nhiên, xem xét chọn lọc đối tượng phù hợp và đầu tư có hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống, cần có chính sách phù hợp, đầu tư vào sản xuất. Đầu tư vào BĐS, chứng khoán, trái phiếu có tính rủi ro nên các ngân hàng phải cân nhắc đầu tư phù hợp".

Đại diện Hiệp hội ngân hàng cho biết, không đặt vấn đề là siết tín dụng BĐS mà phải đặt vấn đề là chỉ đạo của Chính phủ, NHNN rằng lĩnh vực BĐS là một lĩnh vực rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giá BĐS biến động rất lớn, quá cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, đầu tư trong lĩnh vực BĐS hết sức rủi ro.

Nhấn mạnh của ông Hùng: “Đơn cử, trước đây giá 100 triệu đồng/m2 và ngân hàng cho vay 50% giá trị tài sản đảm bảo, tức cho vay 50 triệu đồng nhưng, giá thời điểm hiện nay có thể lên đến 300 triệu đồng. Như vậy, vẫn tài sản đấy mà ngân hàng cho 150 triệu đồng. Nếu không phải là giá trị thật, khi có sự biến động khiến giá BĐS giảm xuống thì rủi ro rất lớn. Do đó, không đặt vấn đề siết tín dụng BĐS, nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn hệ thống và có thể thu hồi được gốc và lãi”.

Kiểm soát vốn tín dụng tùy phân khúc, tùy dự án

Ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà thị trường BĐS đồng quan điểm (Bộ Xây dựng) cho biết, vấn đề kiểm soát tín dụng vào BĐS thời gian qua được dư luận quan tâm. NHNN cũng đã lên tiếng khẳng định không có chủ trương siết tín dụng mà là kiểm soát dòng vốn để tránh rủi ro, hướng dòng vốn sử dụng đúng mục đích.

Trước câu hỏi việc thị trường đã quá "nóng" đến mức cần có sự kiểm soát hay chưa?, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời gian vừa qua, giá BĐS có xu hướng biến động rất mạnh. Nhưng không phải là tất cả, BĐS có nhiều phân khúc, loại hình khác nhau chứ không chỉ có một, có phân khúc cao cấp, dành cho nhà đầu cơ, có phân khúc phục vụ chủ yếu để tiêu dùng.

“Những phân khúc dành cho người dân, người thu nhập thấp, trung bình, cho công nhân là những BĐS chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng… Thì việc đầu tư cho các loại hình này tương đối an toàn, đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Quan điểm của tôi là cần khuyến khích để hỗ trợ phát triển các loại hình này”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, những phân khúc có tính đầu cơ, giá rất cao, thì cần có sự kiểm soát, sự xem xét thận trọng. Không chỉ kiểm soát tín dụng, ngay cả về việc kiểm soát quản lý đầu tư kinh doanh những loại hình đó cũng cần được quan tâm, chặt chẽ. Nhìn chung, việc kiểm soát vốn tín dụng cũng phải tùy theo các phân khúc, tùy dự án, chứ không áp chung với mọi dự án.

Vốn chảy vào bất động sản giảm

Theo NHNN, tín dụng vào BĐS không biến động nhiều kể từ đầu năm đến nay, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ, thấp hơn so với giai đoạn trước.

Trước đó, dòng vốn tín dụng từ hệ thống tín dụng chảy vào lĩnh vực nhà đất đã bị kiểm soát chặt khiến cho vay giảm dần. Cụ thể, tín dụng nhà đất từ mức 26% của năm 2018 giảm xuống còn 12% vào cuối năm 2020 và duy trì ở mức này vào cuối năm ngoái.

Không chỉ siết tín dụng, theo nhiều công ty địa ốc, lãi suất cho vay lĩnh vực này cũng cao hơn các lĩnh vực khác. Ví dụ, lĩnh vực nhà đất phải trả lãi 10%-12%/năm trong khi lĩnh vực khác chỉ khoảng 6,5%-8,5%/năm. Chưa hết, nếu trước đây được vay 70% so với giá trị tài sản thế chấp thì nay giảm xuống chỉ còn khoảng 40%-50%.