BĐS Phát Đạt doanh thu èo uột, dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỷ đồng

Doanh thu èo uột, dư nợ tăng mạnh, dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỷ đồng... là những "điểm đen" trong báo cáo tài chính của Phát Đạt.

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, mã PDR) vừa công bố báo cáo tài chính với kết quả kém khả quan. Theo đó, quý III/2022, doanh thu thuần của Phát Đạt ở mức 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 1.268 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 99%. Dù là ông lớn trong lĩnh vực địa ốc, nhưng nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản trong quý gần nhất chỉ đạt 8 tỷ đồng trong số này, còn lại là cung cấp dịch vụ.

khu-do-thi-du-lich-sinh-thai-nhon-hoi-binh-dinh-cua-phat-dat-1667182158.jpg
Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định của Phát Đạt. (Ảnh: Phatdat)

Doanh thu sụt giảm nhưng Phát Đạt vẫn thoát lỗ ngoạn mục, thậm chí ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 711 tỷ đồng. Nguyên nhân do có doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến đạt hơn 1.249 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng 46% vốn chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn KL cho đối tác. 

Hiện ông lớn ngành địa ốc đang gánh khoản nợ phải trả hơn 15.395 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 11.399 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 3.996 tỷ đồng, nợ vay tài chính là hơn 5.264 tỷ đồng (tăng 53% và chiếm 20,4% tổng tài sản). Nợ vay lớn khiến Phát Đạt phải trả hơn 363 tỷ đồng lãi suất vốn vay từ đầu năm. Chủ nợ lớn của Phát Đạt là các nhà băng như VietinBank, Vietcombank, MBBank... với dư nợ lên tới 1.148,2 tỷ đồng.

Phát Đạt cũng vay Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, Công ty TNHH Dịch vụ Giải pháp Công nghệ Hoàng Anh, ACA Vietnam Real Estate 3 LP, cá nhân Đoàn Đức Luyện, Vũ Dương Hiền với tổng giá trị 1.270,3 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 7,5  - 12%/năm. Việc dùng cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông để thế chấp các khoản vay sẽ khiến Phát Đạt gặp khó khăn khi giá cổ phiếu sụt giảm. Tháng 5 vừa qua, Phát Đạt phải bổ sung thêm 1,7 triệu cổ phiếu PDR theo yêu cầu của Chứng khoán Bản Việt khi mà giá cổ phiếu này sụt giảm mạnh.

Vẫn theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 30/6, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.758 tỷ đồng. Lý do chủ yếu do sự gia tăng các khoản phải thu, từ mức 2.533 tỷ đồng lên 7.614 tỷ đồng.

Cụ thể, Phát Đạt ghi nhận một loạt khoản phải thu tăng thêm với Công ty TNHH BĐS IDK 308 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư BĐS NTR 306 tỷ đồng, Công ty cổ phần BĐS CDK 251 tỷ đồng, Công ty cổ phần BĐS BDK 230 tỷ đồng, Công ty TNHH BĐS EDK 200 tỷ đồng, Công ty TNHH BĐS HDK 154,4 tỷ đồng, Công ty TNHH BĐS GDK 128 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings 1.446 tỷ đồng và nhiều khoản khác.

Điểm trừ nữa trong bức tranh tài chính là việc Phát Đạt sử dụng khoảng 126 triệu cổ phiếu PDR được sở hữu bởi các cổ đông làm tài sản đảm bảo cho 10 đợt phát hành trái phiếu PDR kể từ 2021 đến nay, với tổng giá trị phát hành lên đến hơn 2.846 tỷ đồng (dư nợ đến ngày 30/9). Trong số này, 9 lô trái phiếu sẽ đáo hạn trong 2023, 1 lô còn lại đáo hạn vào 3/2024. Áp lực từ đáo hạn trái phiếu của Phát Đạt trong năm tới rất lớn, nhất là trong bối cảnh doanh thu èo uột, thị trường bất động sản đóng băng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Phát Đạt lao dốc mạnh từ đầu năm. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 28/10, mã PDR tạm đứng mức 44.600 đồng, giảm 36% so với thời điểm 1/1, tương đương mỗi cổ phiếu "bay" 25.191 đồng. Với hơn 671 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Phát Đạt bị cuốn trôi khoảng 16.900 tỷ đồng.

Phát Đạt đã sử dụng hơn 126 triệu cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho 10 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 2.846 tỷ đồng. Trong đó 9 lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 bao gồm: PDRH2123001, PDRH2123002, PDRH2123003, PDRH2123005, PDRH2123006, PDRH2123007, PDRH2123008, PDRH2123009, PDRH2123010.

1 lô trái phiếu đáo hạn vào 3/2024 là PDRH2224001.

Bên cạnh đó, Phát Đạt thế chấp 11,5 triệu cổ phiếu PDR; BĐS tại 70 Phạm Ngọc Thạch và tại 102 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh để vay ngắn hạn 257,8 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Phát Đạt thế chấp 4,5 triệu cổ phiếu PDR để vay gần 90 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam.

Phát Đạt thế chấp 15,4 triệu cổ phiếu PDR; Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu phố Hoà Lân 1, P. Thuận Giao, TP. Thuận An, Bình Dương để vay 300 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân Đội.

Phát Đạt thế chấp gần 12,2 triệu cổ phiếu PDR để vay 270 tỷ đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam.

Phát Đạt thế chấp 1,8 triệu cổ phiếu vay 50 tỷ đồng tại Công ty TNHH Dịch vụ Giải phát Công nghệ Hoàng Anh.

Phát Đạt vay 2 cá nhân là ông Đoàn Đức Luyện và ông Vũ Dương Hiền 230 tỷ đồng và được đảm bảo bằng 11,5 triệu cổ phiếu PDR.

Tổng cộng, Phát Đạt đã sử dụng tới 183,1 triệu cổ phiếu PDR để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của mình.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của thị trường, mã cổ phiếu PDR đang sụt giảm nghiêm trọng, mất 36% so hồi đầu năm.