Mới đây, TP.HCM đã tầm soát ngẫu nhiên tìm biến chủng Omicron trên địa bàn bằng xét nghiệm rRT-PCR trong khoảng thời gian ngày 10-17/2. Kết quả cho thấy có tới 70/92 mẫu bệnh phẩm nhận kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%. Qua đó, ngành y tế TP.HCM nhận định biến chủng Omicron đang chiếm đa số F0 của thành phố.
Tại Hà Nội, kết quả giải trình tự gene các ca bệnh mới đây cũng cho thấy 4 trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai nhiễm biến chủng Omicron.
Mặt khác, thống kê của Bộ Y tế trong 6 ngày qua cho thấy số người nhiễm nCoV mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 ca và vẫn trên đà tăng nhanh từ Tết Nguyên đán tới nay. Riêng ngày 23/2, cả nước đã có lần đầu tiên vượt mốc 60.000 trường hợp dương tính chỉ sau 24 giờ.
Tuy nhiên, chỉ hơn 3.200 bệnh nhân Covid-19 trên cả nước đang diễn biến nặng và buộc phải điều trị thở oxy, thở máy, tim phổi nhân tạo (ECMO).
Tất cả thống kê trên đều đặt ra khả năng biến chủng Omicron có thể đang chiếm ưu thế tại Việt Nam. Song song với đó, tâm lý chủ quan cũng đã xuất hiện trong một nhóm người dân.
Nhiễm nCoV sẽ tạo miễn dịch nhưng gây nguy cơ quá tải
Trả lời Zing về việc liệu có thể coi biến chủng Omicron như một liều vaccine tự nhiên hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định việc nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng.
"Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không cần ngăn cản được triệt để sự lây lan của biến chủng này từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Nhiều người nhiễm nCoV có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên", ông Phu nhấn mạnh.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhắc tới vấn đề tái nhiễm SARS-CoV-2 đối với các biến chủng mới xuất hiện.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Phu nói: “Hiện chúng ta chưa có các nghiên cứu cụ thể về việc tái nhiễm SARS-CoV-2. Bởi vậy, nhiều người có suy nghĩ nhiễm nCoV rồi sẽ không dương tính nữa hay Omicron đa số diễn biến nhẹ nên cứ buông lỏng cho nhiễm là điều không nên. Chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về vấn đề tái nhiễm”.
Dựa trên thực tế thời gian qua, nhiều quốc gia đã trải qua làn sóng dịch với biến chủng Omicron, PGS Phu dự đoán tình hình có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau.
“Việc xuất hiện biến chủng gây triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng tăng cao, năng lực phòng dịch của chính quyền cũng như người dân tốt hơn, đặc biệt là có thêm thuốc điều trị Covid-19, dịch bệnh có thể cũng sẽ lui dần”, vị chuyên gia nói.
Dẫu vậy, ông Phu vẫn khẳng định dịch Covid-19 lúc này vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường. Do đó, Việt Nam sẽ phải luôn theo sát tình hình và tránh tâm lý chủ quan.
Ông nói: “Nếu SARS-CoV-2 lại có thêm biến chủng mới và phát triển theo chiều hướng gây diễn biến nặng hơn ở người bệnh hoặc kháng vaccine, đó sẽ là vấn đề cần theo dõi sát sao. Mặt khác, việc phòng dịch vẫn phải được đảm bảo thực hiện song song”.
Giải trình tự gene trong cộng đồng là việc phải làm
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), cho biết cơ sở này đang tiếp tục giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm của F0 trong cộng đồng. Các địa phương được yêu cầu gửi mẫu bệnh phẩm hàng ngày về NIHE.
Trước đó, theo yêu cầu của Cục Y tế Dự phòng, NIHE chỉ giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm từ những ca nhập cảnh.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định đây là việc phải làm nhanh để đánh giá mức độ dịch, xác định biến chủng nào của virus đang chiếm ưu thế trong cộng đồng.
Kỹ thuật viên làm việc trong phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn.
“Sau khi xác định được biến chủng, chúng ta mới có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng tới công tác phòng, chống dịch, khả năng lây lan ra sao, tác động tới diễn biến nặng, nhẹ ở bệnh nhân như thế nào. Cũng từ đây, hệ thống y tế mới có giải pháp đáp ứng phù hợp”, ông Phu nói.
Theo vị chuyên gia này, việc giải trình tự gene nhằm xác định biến chủng là điều luôn phải làm.
PGS Phu kết luận: “Vấn đề là giải trình tự gene ở mức độ nào, đánh giá với cỡ mẫu ra sao, cách thức thực hiện để chúng ta đảm bảo vẫn nắm bắt được tình hình dịch nhưng không quá tốn kém chi phí”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho rằng việc giải mã trình tự gene để giám sát sự lưu hành của biến chủng Omicron trong giai đoạn này là quan trọng.
"Mặc dù biến chủng này được thế giới cho rằng có mức độ gây bệnh nhẹ, nhưng với khả năng lây lan nhanh hơn so với Delta, chúng ta vẫn nên thận trọng và giám sát động học của dịch. Với Omicron, chúng ta sẽ có những khuyến cáo đầy đủ, rõ ràng hơn", ông nói.
PGS Dũng lý giải nếu xác định được sự lưu hành của biến chủng Omicron, chúng ta có thể hiểu được sự gia tăng số ca nhiễm và chuẩn bị trong tình huống số ca nhiễm tăng cao hơn.
Ông cũng khuyến cáo trong thời gian này, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, tiêm đủ liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 nhiều nhất có thể.