Bình Dương: Dự án Diamond Connect đổi tên lần 3 liệu có đổi vận?

Từ dự án Phúc Đạt Connect 2, đến nay đã thêm 2 lần đổi tên lần lượt là Phúc Đạt Tower và Diamond Connect, cùng với đó là 3 đợt thay đổi đơn vị môi giới nhưng dự án vẫn tồn kho hàng trăm căn hộ.

Giữa năm 2020, dự án Phúc Đạt Connect 2, do Công ty Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Đạt (Phúc Đạt Group) làm chủ đầu tư được chào bán ra thị trường với nhiều thông tin hấp dẫn. Dự án được quảng bá sở hữu vị trí đắc địa, nằm trong khuôn viên rộng hơn 6.000m2, vị trí liền kề TP.HCM với các sản phẩm đa dạng từ 1-3 phòng ngủ kết hợp khu Trung tâm thương mại, Shophouse…

Đến khoảng tháng 8/2020, dự án bất ngờ được đổi tên thành Phúc Đạt Tower. Theo lời môi giới, việc đổi tên thời điểm đó là để phù hợp với vị trí đắc địa của dự án khi có thể kết nối trực tiếp đến trung tâm TP.HCM chỉ trong vài chục phút lái xe.

Tuy nhiên, đến nay, Phúc Đạt Tower bất ngờ được đổi tên lần nữa thành Diamond Connect. Giới đầu tư cho rằng việc đổi tên liên tục này cho thấy sự lúng túng của đơn vị phát triển dự án, đồng nghĩa với kết quả bán hàng đã không đạt được như kỳ vọng. Bởi nếu một dự án bất động sản có tiềm năng thật sự, thì việc giữ tên ban đầu là điều cần thiết để tránh mất đi tính nhận diện của sản phẩm.

Quảng cáo dự án Phúc Đạt Tower lừa dối khách hàng về vị trí và giá bán
Dự án Phúc Đạt Tower từng quảng cáo lừa dối khách hàng về vị trí và giá bán

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài “Thần Đèn’’ dời dự án từ Bình Dương lên Sài Gòn để tạo sóng? dự án Phúc Đạt Tower tọa lạc tại mặt tiền Quốc lộ 1k, thuộc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Vị trí này được nhiều môi giới coi là lợi thế, nhưng các chuyên gia cho rằng, mặt tiền đường lớn sẽ kéo theo nhược điểm là ồn ào và nhiều bụi, chỉ có lợi thực sự nếu buôn bán, còn căn hộ để ở nên chọn nơi yên tĩnh. Mức giá căn hộ Phúc Đạt Tower được rao bán khoảng trên dưới 2 tỷ đồng/căn hộ.

Hình ảnh quảng cáo hợp tác của Phúc Đạt Group và Tập đoàn GS E&C

Được biết, Phúc Đạt Tower từng được mở bán nhiều đợt nhưng sau nhiều năm triển khai bán hàng với đội ngũ môi giới hùng hậu, dự án vẫn tồn kho khá . Chủ đầu tư phải đổi nhiều đơn vị môi giới để mong bán được hàng. Cùng với sự thay đổi này, chiêu thức truyền thông của dự án cũng thay đổi. Gần đây xuất hiện quảng cáo của môi giới dự án này giá chỉ 600 triệu và vị trí mặt tiền Phạm Văn Đồng. Điều này khiến không ít khách hàng giật mình, tại sao Sài Gòn lại có mức giá căn hộ rẻ như vậy. Mức giá này chỉ tương đương khoảng 30% giá căn hộ thực tế.

Bịa đặt thông tin hợp tác đầu tư với Tập đoàn lớn để ăn theo
Bịa đặt thông tin hợp tác đầu tư với Tập đoàn lớn để ăn theo

Mới đây, thông tin quảng cáo từ nhiều môi giới và phương tiện truyền thông cho biết, ngày 24/05/2021 vừa qua, chủ đầu tư Phúc Đạt ký kết hợp tác đầu tư với Tập đoàn GS E&C. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn GS E&C đã bác thông tin này.

Việc ký kết với Công ty VGSI nhưng truyền thông hợp tác đầu tư với Tập đoàn GS E&C được đánh giá có thể là cách "làm mới" dự án sau thời gian dài bị chai lỳ sản phẩm.

Đại diện Tập đoàn GS E&C khẳng định, thông tin tập đoàn đầu tư vào dự án Phúc Đạt Tower là không chính xác. Những thông tin này hoàn toàn là do bộ phận truyền thông của Phúc Đạt đưa ra.

Theo đại diện GS E&C, tập đoàn này hoạt động với nhiều lĩnh vực kinh doanh, nhiều bộ phận khác nhau. Trong đó, VGSI chỉ là một công ty con của Tập đoàn GS E&C. Việc Phúc Đạt ký kết với Công ty VGSI chỉ là ký kết hợp tác thông thường giữa các doanh nghiệp. Còn thông tin cho rằng Tập đoàn GS E&C đầu tư vào dự án Phúc Đạt Tower là không chính xác. Những thông tin này được bộ phận truyền thông của Phúc Đạt đưa ra, hoàn toàn không liên quan đến Tập đoàn GS E&C.

Về việc hợp tác đầu tư với Tập đoàn GS E&C, có nhiều thông tin cho rằng, Phúc Đạt đã ký thỏa thuận mua thang máy của Công ty VGSI. Đây là thương hiệu thang máy tầm trung, chưa phải cao cấp. Tuy nhiên, từ việc mua thang máy đến việc truyền thông hợp tác với Tập đoàn lớn của Hàn Quốc có thể khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn.