Tin tưởng để rồi rơi vào khốn khổ
Trong đơn khiếu nại lần thứ 20 gửi các cơ quan chức năng, những người dân mua đất nền tại dự Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) do Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An tại phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, cho biết, vì tin tưởng các văn bản pháp lý mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt cho thực hiện dự án nên gần 300 hộ dân đã bỏ tiền ra hơn 500 tỷ đồng để mua 310 nền đất của dự án từ năm 2018.
Tuy nhiên, đến ngày 28/5/2019, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 2457/UBND-KTN về việc tạm dừng thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng).
Mới đây nhất, ngày 4/8/2022, UBND tỉnh Bình Dương lại tiếp tục ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND về việc ngừng hoạt động Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng).
Việc này khiến hàng trăm hộ dân đã bỏ tiền mua đất một lần nữa hết sức hoang mang, lo lắng cho số phận của dự án cũng như cuộc sống của gia đình mình. Bởi vì theo họ, số tiền bỏ ra mua đất tại dự án là những đồng tiền bao năm vất vả làm lụng tích cóp, rồi vay mượn mới có đủ.
“Việc UBND tỉnh Bình Dương cho thu hồi các quyết định đã ban hành, cho ngừng hoạt động dự án khiến người dân chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Nhiều gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ, bể nợ, lâm vào cảnh túng quẫn, thiếu thốn trăm bề, vợ chồng lục đục dẫn đến ly dị mỗi người một nơi, con cái thiếu cái ăn cái mặc, chỗ ở không ổn định, phải đi thuê mướn khắp nơi”, đại diện của gần 300 hộ dân tại dự án cho biết.
Theo ông Trung, một trong gần 300 hộ dân đã mua đất trong dự án, đại đa số người dân ở đây không ai mua được với giá gốc của chủ đầu tư mà phải mua lại từ 24-33 triệu đồng/m2 từ năm 2018 đến nay.
Mong chờ kết quả giải quyết hợp tình, hợp lý
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng, Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) đã được triển khai chưa đúng quy định trên phần đất được quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và chủ dự án hoàn trả lại toàn bộ đường ray, thiết bị đã tháo dỡ trái phép trên diện tích triển khai Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng).
Đây cũng chính là vướng mắc khiến dự án bị tạm dừng cho đến nay.
Liên quan đến sự việc này, ngày 25/5/2022, Bộ GTVT có Tờ trình số 5292/BGTVT-TTr gửi UBND tỉnh Bình Dương về việc giải quyết đơn của các hộ dân liên quan đến Dự án Khu nhà ở đường sắt mở rộng tại phường Dĩ An, TP Dĩ An. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương quan tâm chỉ đạo, xử lý dứt điểm đơn phản ánh của người dân, tổ chức rà soát, làm rõ các nội dung liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An để thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại, trong đó có phần đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để giải quyết theo thẩm quyền, phù hợp quy định pháp luật, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Đến ngày 4/8/2022, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngừng hoạt động Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng), diện tích 47.882,8m2 tại phường Dĩ An, TP Dĩ An.
Lý do ngừng thực hiện, theo Quyết định số 1881, để rà soát việc quản lý, sử dụng đất theo ý kiến của Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương.
Thời gian ngừng thực hiện được tính từ ngày Quyết định số 1881 có hiệu lực (4/8/2022) đến khi được UBND tỉnh Bình Dương hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
“Việc này gần như đã đẩy gần 300 hộ dân chúng tôi rơi vào tuyệt vọng. Hiện tại, toàn bộ tài sản chúng tôi đã dồn hết để mua đất tại dự án. Chúng tôi hi vọng tỉnh Bình Dương thu hồi Quyết định số 1881/QĐ-UBND về việc ngừng hoạt động Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, sớm cho phép Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An sớm hoạt động trở lại để người dân chúng tôi nhận đất xây dựng nhà trên đất của mình, ổn định cuộc sống”, người dân cho biết.
Trước đó, ngày 2/11/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1930/TTCP-VP về việc công bố quyết định thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong danh sách các doanh nghiệp thuộc diện thanh tra có Công ty Cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty Cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn (nguồn gốc đất của dự án là từ 2 đơn vị này đã cổ phần hóa và bán đấu giá lại cho Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An).