Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), ông Jon Cunliffe đã gửi lời cảnh báo tới các nhà đầu tư tiền điện tử trong một chương trình của BBC vào ngày 14/12.
“Giá trị của Bitcoin có thể biến động rõ rệt trên cả lý thuyết và thực tế, thậm chí trở về con số 0”, ông Cunliffe nhận xét. Cảnh báo của ông trùng với báo cáo hôm 13/12 của BoE.
Thật vậy, trong hơn 2 tuần qua, nhiều nhà đầu tư không ít lần “xanh mặt” khi chứng kiến biểu đồ Bitcoin của mình chuyển sang trạng thái đỏ lòm.
Ông Cunliffe cũng lưu ý, sự tăng trưởng như vũ bão của tiền điện tử có khả năng khiến cho hệ thống tài chính của Anh gặp nhiều rủi ro. Sự sụt giảm nghiêm trọng của Bitcoin có thể dẫn đến hiện tượng Domino, làm ảnh hưởng tới toàn kinh tế nước Anh.
“Tôi nghĩ thời điểm mà các bạn lo lắng là khi tích hợp vào hệ thống tài chính, một đợt điều chỉnh giá lớn có thể tác động tới các thị trường khác và làm ảnh hưởng tới những người chơi lâu năm trên thị trường tài chính”.
Ông nói thêm, để tránh các rủi ro trong tương lai, cần phải có thời gian để các nhà chức trách lập pháp thiết lập lại các khung pháp lý, thể chế kinh tế.
Báo cáo của BoE chỉ ra, 95% tiền điện tử hiện nay không được hỗ trợ bởi các tài sản cơ bản, do đó không có giá trị nội tại. Đây là lý do tại sao những tài sản bày dễ bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh giá lớn, các nhà đầu tư có thể mất hết toàn bộ số tiền đầu tư của mình.
Hiện nay, có khoảng 2,3 triệu người ở Anh sử dụng tiền điện tử với mức đầu tư trung bình của mỗi người là khoảng 300 Bảng Anh (400 USD).
Thực chất, đây không phải lần đầu có tuyên bố tương lai mịt mù của Bitcoin. Đầu năm nay, Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Anh, cũng từng nhận định không một thiết kế tiền điện tử nào có thể trường tồn theo thời gian. Ông Bailey đảm bảo rằng sự biến động của giá Bitcoin sẽ khiến nó không thể tự duy trì theo thời gian vì các khoản thanh toán yêu cầu “tiền tệ ổn định”.
Tuy nhiên, các lập luận Bitcoin và tiền điện tử vô giá trị đã xuất hiện nhiều lần từ năm 2010, tính đến năm 2018 là khoảng 300 lần.