Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Thư khen gửi Công an TPHCM biểu dương những chiến công, thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Điển hình như, Công an TPHCM vừa khám phá, làm rõ các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp thuộc Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 43 bị can để điều tra làm rõ các hành vi phạm tội "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác".
Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, đây là chiến công xuất sắc của Công an TPHCM, thể hiện tinh thần quyết liệt, mưu trí, sáng tạo trong tấn công, trấn áp tội phạm.
Công an TPHCM đã quán triệt và vận dụng thực hiện có hiệu quả các phương châm, nguyên tắc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Thành tích này của Công an TPHCM đã góp phần răn đe, phòng ngừa chung, tạo sự minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, bảo đảm an toàn cho người điều khiển.
Bên cạnh đó, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Công an TPHCM phối hợp với công an các đơn vị, địa phương điều tra mở rộng, truy xét làm rõ vụ án và tiếp tục xác minh, đấu tranh, phát hiện hành vi tương tự để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông, Công an TPHCM phát hiện nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải…) nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Sau khi xác định rõ vai trò, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong các chuyên án, Công an TPHCM đã chỉ đạo triển khai kế hoạch phá án; bắt giữ các đối tượng trong chuyên án, khám xét khẩn cấp tại 9 trung tâm đăng kiểm.
Kết quả điều tra bước đầu cho biết, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, giám đốc các trung tâm đăng kiểm trên đã chỉ đạo cấp dưới cố tình bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện do các chủ phương tiện và "cò mồi" đưa đến, nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.
Đến nay Công an TPHCM đã khởi tố 43 bị can. Mới nhất, ngày 28/12, tại Hà Nội, Công an TPHCM đã chủ trì, phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam và thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra.
Cũng liên quan đến sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm, ngày 29/12, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã khởi tố 14 đối tượng tại Trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ 99-03D về hành vi nhận hối lộ, gồm: Giám đốc Dương Trung Lâm (42 tuổi, ở phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh); Phó Giám đốc Dương Đình Phú (37 tuổi, ở xã Tân Chi, huyện Tiên Du) và 12 đăng kiểm viên.
Bước đầu điều tra, cơ quan Công an xác định, Dương Trung Lâm, Dương Đình Phú cùng các đăng kiểm viên đã bàn bạc, thống nhất thu tiền phí bôi trơn ngoài phí đăng kiểm theo quy định và phí đường bộ của các xe đăng kiểm với số tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/xe.
Với số tiền thu ngoài trên, các chủ xe đi đăng kiểm sẽ được bỏ qua một số lỗi kỹ thuật của xe ô tô hoặc được làm nhanh các bước đăng kiểm. Số tiền phí bôi trơn sẽ được tập hợp lại vào cuối mỗi ngày và chia cho các đăng kiểm viên theo tỉ lệ thỏa thuận.
Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến tháng 12/2022, các đối tượng đã thu khoảng 6,5 tỷ đồng tiền phí bôi trơn ngoài phí đăng kiểm theo quy định.