'Bỏ của chạy lấy người', phòng gym trăm tỷ cho không cũng chẳng đắt

Số lượng các phòng tập gym đóng cửa ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều phòng tập phải 'bỏ của chạy lấy người', biếu không hoặc sang nhượng với giá 0 đồng.

Đóng cửa, thanh lý

Có kinh nghiệm kinh doanh phòng gym được gần 10 năm nay, từ một phòng tập gym ở khu vực Hà Đông, ông Đỗ Hải Anh (chủ phòng tập), đã lên kế hoạch tận dụng cơ hội Covid-19 để mở rộng kinh doanh. Ông chủ phòng gym cho hay, khi dịch bệnh, người dân quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn, nhu cầu tập thể thao, phòng gym sẽ tăng sau dịch. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch, nhiều phòng gym chuyển nhượng, mặt bằng giảm giá nên cơ hội kinh doanh lớn.

Đầu năm 2021, ông Hải Anh lên kế hoạch mở rộng quy mô từ 3-5 phòng tập tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội trong năm nay. Ông cũng đã ráo riết huy động thêm vốn, sự hỗ trợ của anh em huấn luyện viên thể hình, tuyển thêm đôi ngũ kinh doanh.

Tuy nhiên, kế hoạch triển khai đã bị đổ vỡ bởi dịch bệnh. Cuối tháng 6, đợt dịch bắt đầu bùng phát, phòng gym phải tạm ngừng hoạt động. Đội ngũ nhân viên phải nghỉ không lương. Các kế hoạch truyền thông cho thương hiệu phòng tập gym mới đều bị dừng lại. Hai địa điểm ông đang xem xét để thuể mở rộng quy mô cũng bị bỏ.

Nhiều phòng gym đóng cửa vĩnh viễn

Ông chủ phòng tập tiếp tục tìm mọi cách để động viên đội ngũ nhân viên, tìm hướng kinh doanh mới nhưng không thành. Đầu tháng 9/2021, tới thời điểm gia hạn hợp đồng thuê nhà ở phòng tập, tuy được hỗ trợ giảm chi phí nhưng ông Hải Anh quyết định chấm dứt hợp đồng, thanh lý đồ để nghỉ.

Theo ông Hải Anh, quyết định đóng cửa phòng gym lúc này dù rất đau đớn với tâm huyết của ông bỏ ra nhưng không còn cách nào khác. “Chỉ cần có dịch là phòng gym bị đóng cửa đầu tiên và cũng mở lại muộn nhất, rủi ro rất lớn với những người kinh doanh. Như ở TP.HCM, dù cho mở cửa trở lại nhưng giới hạn số người tập thì thu không đủ chia”, ông nói.

Tiền thuê mặt bằng kinh doanh 80 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước, tiền nhân viên,... Tổng nguồn chi mỗi tháng của phòng tập lên tới hàng trăm triệu. Trong khi đó, nhu cầu đi tập thể hình tại các phòng gym đều giảm, đặc biệt đang vào mùa lạnh, mùa thấp điểm nhất trong năm. Ông Hoài Anh đành đóng cửa vĩnh viễn để tìm hướng làm ăn mới.

“Kinh doanh phòng gym chưa bao giờ khó khăn như lúc này”, ông Đỗ Văn Quang, chủ một phong gym ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ.

Kinh doanh phòng tập thể hình, điều bắt buộc là phải thuê mặt bằng rộng, tùy thuộc vào phân khúc. Do đó, kinh phí nặng nhất chính là tiền thuê mặt bằng.

Ông Quang cho hay, phòng tập tuy nhỏ nhưng chi phí vận hành cũng lên tới 60-70 triệu đồng/tháng. Nhưng, nguồn thu hiện nay chỉ từ bán vé tháng, số lượng người mua vé theo quý và năm không nhiều như trước. Số lượng người đi tập trở lại cũng không đông như trước, chỉ vài khách quen, còn khách mới hầu như không có. Chính vì thế, ông đang rao thanh lý lại trang thiết bị phòng tập để đóng cửa vĩnh viễn.

Theo khảo sát, số lượng các phòng tập gym đóng cửa ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều phòng tập phải “bỏ của chạy lấy người”, biếu không hoặc sang nhượng với giá 0 đồng.

Ông Quang nói thêm, một phòng tập chuẩn 4 sao ở khu vực Cầu Giấy đang chuyển nhượng với giá chỉ 3 tỷ đồng nhưng không có người mua. Tổng chi phí đầu tư ban đầu lên tới 12 tỷ đồng, song ảnh hưởng của dịch, từ khi khai trương tới nay, tổng thời gian vận hành của phòng tập này chưa đủ 1 năm.

Khó khăn vì dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Đầu tư chục tỷ vẫn đóng cửa

Đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng, nhiều phòng gym, startup đã phải đóng cửa khi dịch ập tới. Hệ thống phòng tập Lamita dừng hoạt động kể từ 4/1. Đây là hệ thống phòng tập lên tới 65 điểm điểm, từng được định giá 100 tỷ đồng.

Năm 2019, CEO Vũ Thị Thùy Linh từng được Shark Liên và Shark Hưng đồng ý rốt vốn đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần chuỗi Lamita Fitness. Tuy nhiên, dự án chưa nhận được vốn đầu tư vì gặp một số vấn đề.

Một startup khác về phòng tập là Wefit (sau đổi tên thành WeWow) tuyên bố phá sản do nguồn vốn đã cạn. Theo chia sẻ của startup này, họ rất tiếc khi phải đóng cửa sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm 2020, dù đã nỗ lực cải tổ. Song, do ảnh hương của dịch, WeWow tiếp tục khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được.

Trong thư gửi khách hàng, đại diện WeWow cho hay, vốn hoạt động của công ty đã cạn kiệt hoàn toàn, do đó không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm, buộc phải dừng hoạt động từ 11/5/2020. Công ty đã mở thủ tục phá sản tại TAND TP. Hà Nội.

WeWow khởi điểm từ Wefit, do Khôi Nguyễn thành lập tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness Việt Nam. Ứng dụng kết nối hơn 600 phòng tập và cung cấp hơn 5.000 lịch tập luyện mỗi ngày. Khách hàng có thể tập tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống của Wefit.

WeFit được ESP Capital rót 155.000 USD vào cuối năm 2017. Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital.

Theo Lamita, đơn vị này không lường trước được rủi ro của việc mở rộng hệ thống nên khi gặp dịch bệnh đã mất khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lý dòng tiền, trong đó có khoản dự phòng tài chính và quản trị chi phí, dòng tiền.

Ông Đỗ Hải Anh cho hay, đối với doanh nghiệp có dòng vốn kém, để duy trì, chủ phòng bắt buộc phải vay mượn. Khó khăn hiện nay là các phòng tập đều không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng do không chứng minh được năng lực tài chính.

Các ngân hàng đều từ chối vì rủi ro với kinh doanh phòng tập rất lớn. Các máy móc thiết bị khó được định giá để cầm cố vay mượn. Để tồn tại, nhiều chủ cơ sở kinh doanh phòng tập phải cầm cố xe, nhà cửa vay mượn lấy vốn duy trì qua dịch. Khi không thể xoay sở được nữa, họ buộc phải sang nhượng với giá siêu rẻ, thậm chí biếu không người khác, chỉ mong họ gánh hộ các khoản nợ trước đó.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, giới kinh doanh phòng tập cho rằng, sẽ còn nhiều đơn vị rời bỏ cuộc chơi trong thời gian tới.