Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nhiều sai sót, tồn tại trong việc chi ngân sách

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021. Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và việc phân bổ kinh phí không phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhiều sai sót, tồn tại

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lập dự toán chi không sát với thực tế hoặc chưa đúng quy định tại Thông tư số 38/2019/TT-BTC.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo và tuyển sinh cho Học viện Chính sách và Phát triển không phù với thực tế của đơn vị dẫn đến việc trong năm phải điều chỉnh dự toán; phân bổ dự toán “Xây dựng và nâng cấp các phần mềm công nghệ thông tin thuộc nguồn kinh phí quản lý các cuộc điều tra” 6,87 tỷ đồng cho Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê thiếu căn cứ do chưa có cơ sở xác định nhiệm vụ nào sử dụng nguồn thường xuyên, không thường xuyên; Phân bổ dự toán chi phí quản lý chung bằng 10% chi phi in và phát hành cho Nhà xuất bản Thống kế không có trong quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dùng kinh phí không thường xuyên để giao chi hoạt động theo chức năng nhiệm vụ cho một số đơn vị đã được đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương án tự chủ được phê duyệt chưa phù hợp với quy định.

Đa số các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn KH đạt tỷ lệ cao, tuy nhiên còn một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạt 48,33%. Kiểm toán cũng chỉ ra rằng Cục Thống kê tỉnh Long An chỉ định thầu không đúng quy định. Trong công tác đàm phán, ký kết hợp đồng, các điều khoản thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ. Công tác quản lý chất lượng bản vẽ hoàn công chưa tuân thủ theo quy định, không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; Thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán chậm (có 8 dự án hoàn thành chưa nộp hồ sơ quyết toán dưới 24 tháng, 21 dự án chậm nộp hồ sơ quyết toán trên 24 tháng, 6 dự án đã nộp hồ sơ nhưng chậm phê duyệt quyết toán trên 24 tháng).

Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí chưa phù hợp so với thực tế dẫn đến chi không hết và chuyển vào nguồn năm sau như tại Trung tâm Hỗ trợ Nghiệp vụ đăng ký kinh doanh có chêch lệch thu chi từ nguồn phí để lại sau khi đã trích lập các quỹ còn dư đến thời điểm 31/12/2020 là 44,67 tỷ đồng, đơn vị chưa có phương án sử dụng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một số dự án chưa lập tờ khai và làm thủ tục xác nhận viện trợ kịp thời theo quy định; Sổ ghi thu ghi chi tạm ứng năm 2020 cao hơn chi phí thực nhận 3,07 tỷ đồng; định kỳ hàng quý, dự án chưa gửi báo cáo cho cơ quan chủ quản kiểm tra tổng hợp gửi Bộ Tài chính để lập Giấy đề nghị thanh toán theo quy định; tại thời điểm kiểm toán 6/05/2021 một số dự án chưa hoàn thành công tác thanh toán tạm ứng vốn viện trợ đã ghi thu, ghi chi theo quy định; một số dự án đã kết thúc từ 4 đến 10 năm chưa thực hiện quyết toán và lập báo cáo quyết toán theo quy định.

Về việc quản lý, sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; về công tác giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tham mưu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (KH ĐTCTH) đối với một số dự án được giao vốn nhưng không có khả năng thực hiện, không phân bổ vốn hằng năm. Có 25 dự án của 5 bộ, ngành và 7 tỉnh đã được giao vốn trung hạn 7,307,21 tỷ đồng; 3 dự án được giao 118,5 tỷ đồng nhưng không giao hết kế hoạch vốn năm và điều chuyển để thu hồi vốn đối ứng trước 38,326 tỷ đồng.

Việc tham mưu, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối các dự án, Bộ KH&ĐT tổng hợp, dự kiến phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) trong nước kế hoạch đầu tư công trung hạn (KH ĐTCTH) giai đoạn 2016-2020 chưa căn cứ đầy đủ khả năng cân đối đầu tư của NSNN hằng năm theo quy định tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 dẫn đến số vốn thực tế đã giao trung hạn sau Nghị quyết số 84/2019/QH14 là 35.195,122 tỷ đồng, cao hơn dự kiến Báo cáo số 483/BC-CP ngày 13/10/2019 của Chính phủ 14.288,222 tỷ đồng. Nguyên nhân do được bổ sung từ nguồn tăng thu NSTW 2019 và nguồn được để lại của Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư: Bộ KH&ĐT chưa thực hiện đầy đủ nội dung “Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền, xêm xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu” đối với các trường hợp (Không phân bổ vốn hằng năm, phân bổ vốn hàng năm chưa hết hạn mức vốn trung hạn đã được giao, sử dụng hạn mức vốn trung hạn của dự án DPC điều chuyển cho dự án khác ngoài danh mục DPC) theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ, các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp còn chưa có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Chưa sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; chưa lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Một số cơ sở nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai. Chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản, phản ánh trên sở kế toán theo quy định.

Có 6 cơ sở nhà đất do Tổng Cục Thống kê (TCTK) quản lý, gồm: Trụ sở Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, Trung tầm bồi dưỡng cán bộ ngành Thống kê tỉnh Thanh Hóa, Trụ sở Cục thống kê tỉnh Hà Tĩnh, Nhà khách Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, Trụ Sở Cục Thống kê tỉnh Long An và Chi cục Thống kê thị xã Thái Hòa, dôi dư đang bỏ trống không sử dụng do đã được đầu tư cơ sở mới; 3 cơ sở nhà đất, gồm Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, một phần diện tích tại 86 Thụy Khuê và Trụ sở Chi cục Thống kê huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh sử dụng vào mục đích khác không đúng quy định (Bộ đã có Công văn số 8611/BKHĐT-VP ngày 18/11/2019 báo cáo về hiện trạng sử dụng các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính).

Đến thời điểm kiểm toán, Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng đã đề xuất phương án xử lý nhưng chưa được Bộ Tài chính phê duyệt; cơ sở 86 Thụy Khuê đã được Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ và xử lý theo quy định tại Văn bản số 9852/BTC-QLCS ngày 25/7/2017 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm; Chi cục Thống kê thị xã Thái Hòa đã xin ý kiện của UBND tỉnh nhưng chưa trả lời đầy đủ các nội dung kiến nghị tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt; còn lại Tổng Cục Thống kê chưa đề xuất phương án xử lý.

Việc quản lý và sử dụng nguồn vốn được giao của Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ về đâu tư vốn ngoài doanh nghiệp chưa hiệu quả. Quỹ chậm ban hành quy chế cho vay gián tiếp, ban hành quy chế tài trợ và cho vay trực tiếp.

Đến thời điểm hiện tại Quỹ chưa thực hiện cho vay trực tiếp, chưa thực hiện hoạt động tài trợ cho DNNVV; số lượng doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay hỗ trợ rất hạn chế và chi bằng hình thức ủy thác qua ngân hàng thương mại với số vốn giải ngân là 101,36 tỷ đồng (chỉ bằng 12% vốn điều lệ); năm 2020 chỉ cho vay được duy nhất 1 dự án 1,53 tỷ đồng; Phương án sử dụng tiền nhàn dỗi để gửi ngân hàng chưa thuyết minh đầy đủ lý do gia hạn, điều chuyển tiền gửi giữa các ngân hàng, thay đổi kỳ hạn; đồng thời chưa tính toán so sánh việc lựa chọn ngân hàng dựa trên mức lãi suất và kế hoạch sử dụng vốn vay để đảm bảo hiệu quả.