Bộ trưởng Lao động: "Chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước"

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, muốn phát triển thị trường lao động vùng đồng bằng sông Hồng, bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cần chuyển đổi nhân lực và phải "đi trước một bước".

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh kiến nghị này tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, trong 6 vùng kinh tế, đồng bằng sông Hồng là vùng có quy mô lao động lớn nhất với tổng lực lượng lao động là 11,44 triệu người, chiếm 22,64% lực lượng lao động cả nước năm 2021. 

Bộ trưởng Lao động: Chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Thời gian qua, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng từ 38,8% lên 60,53%; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 37,68% năm 2011 xuống còn gần 13,55% năm 2021. Con số cho thấy cơ cấu lao động chuyển dịch rất nhanh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề cập một số bất cập mà vùng đồng bằng sông Hồng đang gặp phải như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động, mặc dù cao nhất trong 6 vùng của cả nước, nhưng còn hạn chế và bất hợp lý về cơ cấu, trình độ đào tạo.

Ông dẫn chứng, năm 2021, vẫn còn trên 63% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hay không có bằng cấp/chứng chỉ. Trong 10 năm qua, cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm của vùng chuyển dịch nhanh song chưa bền vững, chất lượng việc làm còn thấp và tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao.

Cùng với đó, cầu việc làm kỹ năng cao còn hạn chế do trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh của Việt Nam chủ yếu ở mức trung bình và thấp.

Ngoài ra, vấn đề di cư lao động cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù từ 2014 đến nay, vùng đã có tỷ suất di cư thuần dương (nhập cư cao hơn xuất cư) nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua đã xuất hiện một số bất cập trong việc dịch chuyển này.

Dự báo thách thức thời gian tới, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, ngoài các thách thức chung, hiện nay nổi lên một số vấn đề liên quan đến vùng như tình trạng già hóa dân số.

"Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đến năm 2038 sẽ có khoảng 20% là người già. Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong vấn đề lực lượng lao động, an sinh xã hội, chăm sóc người lớn tuổi…", Bộ trưởng Dung nêu nhận định.

Tiếp đến là sự thay đổi về việc làm, đặc biệt là di cư, di biến động, việc làm chất lượng cao và thỏa đáng, đặc biệt là tiền công. Thêm nữa, biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp sinh kế của người dân, nhất là khu vực nông thôn, khu vực dễ tổn thương.

Bộ trưởng Lao động: Chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước - 2

Tỷ lệ việc làm trong khu vực phi chính thức còn cao, phần đông lao động đang đảm nhận công việc dễ tổn thương. Điều này gây thách thức với thu nhập, năng suất lao động, khả năng tiếp cận thị trường…

Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận, trong giai đoạn 2021-2030, vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là thị trường có nguồn nhân lực dồi dào và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng cần theo chiều sâu, trong đó tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phân tích, muốn phát triển thị trường lao động của vùng cần tiếp tục củng cố và đẩy nhanh liên thông hệ thống hạ tầng cơ sở, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Bên cạnh hai xu hướng là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng cần lưu ý chuyển đổi thứ ba, là chuyển đổi nhân lực và nhấn mạnh "chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước".