Bóng đá vốn là một ngành công nghiệp?
Cuối tuần qua, một thông tin gây xôn xao trong giới thể thao, đó là một trong những gia đình giàu nhất quốc gia vùng Vịnh Qatar đã đưa ra đề nghị mua lại câu lạc bộ bóng đá Ngoại hạng Anh Manchester United với cái giá có thể sẽ là cao kỉ lục từ trước tới nay, vượt mốc 5,2 tỷ USD Mỹ.
Bóng đá vốn là một ngành công nghiệp lớn mang lại lợi nhuận cho giới chủ sở hữu các đội bóng. Câu chuyện lần này của Manchester United lại một lần nữa khiến giới đầu tư phải chú ý tới tiềm năng ngành công nghiệp này.
Chủ sở hữu hiện thời của đội bóng Anh Quốc Manchester United là Nhà Glazer đến từ Mỹ. Gia đình này muốn nhượng lại đội bóng với cái giá khoảng 6 tỷ bảng Anh- tương đương gần 7.2 tỷ USD. Thứ Sáu đánh dấu hạn chót để các bên quan tâm gửi hồ sơ dự thầu mua Manchester United.
Cái tên mới nhất đưa ra đề nghị chính là Jassim Bin Hamad Al Thani, con trai của cựu thủ tướng Qatar. Ông này sẽ đấu thầu thông qua Quỹ cá nhân Nine Two. tổ chức này sẽ tìm cách đầu tư vào các đội bóng đá, trung tâm đào tạo, sân vận động và cơ sở hạ tầng. Tỷ phú người Anh Jim Ratcliffe, người sáng lập công ty hóa chất INEOS, là một nhà thầu tiềm năng khác. Ngoài ra còn một số quỹ đầu tư của Mỹ cũng tham gia.
Một chuyên gia tài chính bóng đá nói rằng lợi nhuận mà bất cứ ai mua Manchester United có thể thu về là rất lớn. Ông Neil Joyce, CEO Tập đoàn CLV, cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng những đội bóng như Manchester United có thể dễ dàng đạt được doanh thu tăng thêm trên 250 triệu Bảng. Báo cáo của chúng tôi cho thấy chỉ riêng tại thị trường Mỹ, các đội bóng của Anh đã tạo ra 87 triệu Bảng doanh thu. Ở Ấn Độ và Indonesia, thương hiệu các đội bóng Anh đem về 100 triệu Bảng. Còn thị trường Trung Đông thì gần như chưa được khai thác hết. Nhưng vụ chuyển nhượng của Cristiano Ronaldo cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng với cơ hội kiếm tiền khổng lồ. Để kiếm được tiền thì các câu lạc bộ phải hiểu được người hâm mộ của mình. Người hâm mộ đến từ Mỹ khác với đến từ Old Trafford, và khác với người hâm mộ ở Dubai chẳng hạn".
Ông Neil Joyce cũng nói rằng trong khi một công ty cổ phần tư nhân thường mong đợi tạo ra lợi tức từ vốn từ hai đến bốn lần, thì gia đình Glazer- chủ sở hữu hiện tại của MU- có thể sẽ nhận được lợi nhuận gấp sáu đến tám lần khi bán lại CLB. Các báo cáo gần đây do CLV Group công bố cho thấy các nhà đầu tư trong tương lai có thể tăng thêm doanh thu đó bằng cách kiếm tiền từ lượng người hâm mộ toàn cầu của họ.
Ông Neil Joyce cho biết thêm: "Bóng đá là một ngành công nghiệp rất, rất lớn - từ góc độ của nhà đầu tư. Với tất cả sự quan tâm dành cho giải Ngoại hạng Anh, các nhà đầu tư và các chủ sở hữu đang tạo ra một đẳng cấp giá trị để định giá các câu lạc bộ bóng đá".
Bóng đá chỉ là một ngành làm ăn nhỏ so với thế giới?
Theo công ty thống kê Statista, câu lạc bộ bóng đá có doanh thu lớn nhất trong năm 2022 là Man City với 766 triệu USD, xếp ngay sau là Real Madrid với 761 triệu USD, tiếp đến là Bayern Munich, Barca, MU, PSG, Liverpool. Doanh thu năm tài chính 2022 của Wal-Mart là 573 tỷ USD. Như vậy, doanh thu của Man City chỉ bằng 0,13% của Wal-Mart.
Doanh thu của Real chỉ xếp vào thứ 37 trong bảng xếp hạng các công ty ở Phần Lan, một đất nước chỉ có 5,5 triệu dân, số dân chưa bằng một nửa của TP.HCM. Những so sánh trên đây cho thấy bóng đá chỉ là một ngành làm ăn nhỏ so với thế giới.
Nếu kể đến lợi nhuận thuần thì con số của các câu lạc bộ bóng đá càng thấp. Đầu tư vào bóng đá hay cổ phiếu một đội bóng khó thu lời. Bóng đá không chỉ là ngành làm ăn nhỏ mà còn kém. Bất chấp thực tế rằng các chương trình TV nhiều người xem nhất trong lịch sử là bóng đá, những người nổi tiếng nhất hành tinh là các cầu thủ bóng đá, môn thể thao được nhiều người biết và chơi nhất trên thế giới là bóng đá.
Bất chấp rằng giá vé xem cả mùa của một câu lạc bộ lớn hay giá mua một món quà lưu niệm chính hãng rất đắt, hầu hết bóng đá được xem không phải từ những ghế ngồi đắt tiền trên khán đài, mà được xem qua TV với giá thuê bao cả tháng chỉ bằng vài vại bia hay bằng giá vé đến rạp xem phim một lần.
Và bóng đá gần như chỉ là cái món chỉ thu tiền được một lần, khi trận đấu qua đi, bạn hầu như không kiếm thêm được mấy từ hoạt động phát lại hay bán đĩa DVD. Bóng đá phải cõng thêm những “ký sinh trùng” bám vào, Chelsea không thu được đồng nào từ báo chí nếu họ viết bài về CLB, không thu được đồng nào từ Facebook nếu như các cổ động viên bàn tán trên đó, không thu được đồng nào từ những người đọc, nghĩ và nói về Chelsea.
Thực tế, thế giới kiếm được nhiều thứ từ bóng đá hơn là bóng đá kiếm được từ chính nó. Có người bảo bóng đá như viện bảo tàng, sinh ra với tinh thần phục vụ cộng đồng trong khi vẫn cố duy trì được khoản thu để tự trang trải. Mục tiêu nghe khiêm tốn, nhưng cũng ít đội bóng làm được.
Bóng đá lại là ngành sống rất dai....
Thực tế, bóng đá chỉ bắt đầu kiếm được khá tiền từ cách đây không lâu. Năm 1979, Trevor Francis là cầu thủ đầu tiên cán mức giá chuyển nhượng 1 triệu bảng khi chuyển từ Birmingham City sang Nottingham Forest. Mất 37 năm để có cầu thủ đầu tiên cán mức giá chuyển nhượng 100 triệu bảng khi Paul Pogba từ Juventus sang Manchester United.
Những năm 1970, các câu lạc bộ ở Anh phải trả tiền cho các hãng bán đồ thể thao như Umbro để được cung cấp áo thi đấu. Bây giờ thì ngược lại, Adidas phải trả cho Real Madrid mỗi năm 70 triệu euro để đội bóng này mặc đồ của họ. Cho đến cuối thập niên 1980, các đội bóng Anh mới thấy rằng, à hóa ra các cổ động viên cũng thích mua những chiếc áo đấu của đội bóng, thế nên nền công nghiệp bán áo, khăn, đồ lưu niệm hiện nay mới phát triển đến vậy.
Giá một chiếc áo của Real Madrid tại cửa hàng ở Madrid có giá 90 euro, nếu in tên cầu thủ vào sau lưng thì phải trả thêm 30 euro. Cho đến năm 1982, các câu lạc bộ Anh còn từ chối các kênh truyền hình phát trực tiếp trận đấu của họ trên TV, vì sợ rằng như vậy sẽ làm giảm số lượng cổ động viên mua vé vào sân. Nhưng bây giờ, truyền hình là nguồn thu lớn nhất của các đội bóng châu Âu.
Thực tế này được phơi bay trong cuốn sách “Soccernomics” của hai tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski viết về cách kiếm tiền trong ngành công nghiệp bóng đá và những hiểu lầm, ngộ nhận của chúng ta về ngành công nghiệp bóng đá toàn cầu.
S&P 500 index là chỉ số chứng khoán theo dõi giá chứng khoán của 500 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York có giá trị vốn hóa lớn nhất. 500 đại công ty này có giá trị vốn hóa tổng cộng 35,1 nghìn tỷ USD. Chín công ty lớn nhất trong danh sách 500 này chiếm 27,8% tổng giá trị vốn hóa 35,1 nghìn tỷ USD đó. Số phần trăm này cho thấy ngay trong danh sách 500 công ty này vốn đã có sự phân hóa rất lớn.
Công ty xếp cuối cùng trong danh sách S&P 500 là News Corp của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch có giá trị vốn hóa là 9,2 tỷ USD. Trong khi đó, đội bóng đá có giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu lớn nhất thế giới là Manchester United, ở mức 2,22 tỷ USD. Ta thấy, một CLB bóng không có giá trị là bao so với các đại công ty trên thế giới.
Trong danh sách những đội bóng có giá trị lớn nhất thế giới được Forbes xếp hạng, Real Madrid xếp đầu với 5,1 tỷ USD, thứ hai là Barca với 5 tỷ USD, MU 4,6 tỷ USD. Hồi giữa năm 2022 rộ lên tin đồn Elon Musk muốn mua MU. Nhưng hóa ra đó là một trò đùa trên mạng xã hội của ông tỷ phú công nghệ này, dù các cổ động viên ở sân Old Trafford rất muốn việc mua bán này xảy ra.
Nhưng nếu Musk thật sự quan tâm đến việc mua bán thì cái giá hơn 4 tỷ USD của MU cũng chỉ như một món tiêu khiển trong gia tài 200 tỷ USD của Musk. Chỉ riêng với số tiền mua mạng xã hội Twitter thì Musk đã đủ tiền mua 10 câu lạc bộ bóng đá tầm cỡ MU.
Nhiều nguồn tin dự báo Manchester United có thể sẽ được mua lại với mức giá kỷ lục cao hơn mức 5,2 tỷ USD được chi để mua lại đội bóng Chelsea trước đây, theo phân tích của Deloitte.