Bóng ma suy thoái đe dọa Âu - Á

Những cú sốc kinh tế mà châu Âu đang phải đối mặt làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ và cuối cùng là một cuộc suy thoái

"Chắc chắn chúng ta thấy một cuộc suy thoái lớn đang dần hình thành" - Giám đốc điều hành Tập đoàn kỹ thuật và công nghệ Bosch (Đức) Stefan Hartung khẳng định với đài CNBC hôm 6-5.

Châu Âu được đánh giá là đặc biệt dễ tổn thương từ xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan, những lo ngại về nguồn cung năng lượng, chính sách zero-Covid của Trung Quốc, ảnh hưởng còn lại từ đại dịch Covid-19… Vì thế, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực trong những tuần gần đây.

Theo ông Hartung, hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng như thiết bị gia dụng, dụng cụ điện, phương tiện đi lại… vẫn còn cao, bất chấp sự tăng giá và tăng lãi suất. Nhưng một lúc nào đó, tất cả sẽ dừng lại, khởi đầu cho suy thoái kinh tế sâu sắc với gọng kìm khủng hoảng nguồn cung lẫn khủng hoảng nhu cầu.

Lạm phát trong khu vực đồng euro đạt mức kỷ lục là 7,5% trong tháng 3 vừa qua. Chưa tăng lãi suất sốc như Ngân hàng Anh hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ kết thúc việc mua tài sản ròng theo APP - Chương trình Thu mua tài sản, một phần của gói các biện pháp chính sách tiền tệ phi tiêu chuẩn ECB thực hiện từ tháng 10-2014 - vào cuối quý III, sau đó có thể bắt đầu thắt chặt tiền tệ.

Người dân Berlin - Đức thuê đất tự trồng rau để ứng phó với giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh Ảnh: REUTERS

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng đầu tư Berenberg (trụ sở tại Hamburg, Đức), một lệnh cấm vận ngay lập tức đối với khí đốt Nga sẽ biến rủi ro kinh tế ngắn hạn ở châu Âu thành một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Suy thoái có thể kéo dài nếu Mỹ cũng bắt đầu suy thoái do những nước cờ sai lầm của FED. Chủ tịch Cơ quan Quản lý tài chính Đức Mark Branson cho rằng rủi ro với vị trí "bên bờ vực" của châu Âu sẽ lớn thêm nếu có bất kỳ leo thang quân sự nào ở Ukraine hoặc tình trạng khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn.

CEO của các hãng sản xuất ôtô Mercedes-Benz, Volkswagen cho rằng họ đang đối diện môi trường kinh doanh đầy thách thức do các đợt phong tỏa ở Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn, tình trạng thiếu chip và xung đột ở Ukraine.

Báo cáo mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng ở Tokyo - Nhật Bản cho thấy mức tăng sốc: 1,9%, cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Nhà kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung ương Shinkin, ông Takumi Tsunoda, phân tích với Reuters rằng nguyên nhân chính của lạm phát nằm ở chi phí dành cho thực phẩm ngày một cao. Giá năng lượng ở Tokyo tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4 dù chính phủ đã nỗ lực trợ giá.

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện Nghiên cứu Nomura cũng dự báo về nguy cơ suy thoái, trong đó tiêu dùng bị kéo xuống bởi đồng yen yếu và giá cả tăng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuần qua đã nâng dự báo về lạm phát lên gần 2% nhưng giữ nguyên mục tiêu lãi suất.

Theo Reuters, Ngân hàng Dự trữ Úc cảnh báo lạm phát lõi hiện có thể đạt 4,6% vào tháng 12, cao hơn tới 2 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 2, vượt xa biên độ mục tiêu 2%-3% của RBA.