BOT cầu Thái Hà tiếp tục thua lỗ, nợ phải trả chiếm 82% tổng tài sản

Dù doanh thu của BOT cầu Thái Hà có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ.

Kết quả kinh doanh bết bát

Công ty Cổ phần BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo BCTC cho thấy BOT Cầu Thái Hà đạt doanh thu thuần 8,8 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số doanh thu 4,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Giá vốn bán hàng theo đó cũng nhích nhẹ lên hơn 2,8 tỷ đồng, cao hơn gần 900 triệu đồng cùng kỳ năm 2021. Theo đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ghi nhận hơn 5,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ tiêu này chỉ đạt 2,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính của doanh nghiệp gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận chi phí bán hàng bằng 0.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của BOT tăng lên tới hơn 2,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ khoản này chỉ tốn 214 triệu đồng. Công ty thuyết minh sự tăng trưởng bất thường này đến từ chi phí nhân viên và các khoản chi phí khác.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty ghi nhận lỗ hơn 18 tỷ đồng, giảm 22% so với con số lỗ 23,7 tỷ đồng cùng kỳ.

Khấu trừ đi các chi phí liên quan, BOT Cầu Thái Hà ghi nhận lỗ sau thuế 11,5 tỷ đồng trong quý III/2022, giảm so với số lỗ hơn 23,8 tỷ đồng ghi nhận trong quý III/2021 và nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/9/2022 lên trên 326,6 tỷ đồng.

Theo đó, dù doanh thu ghi nhận có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước song công ty cũng chỉ giảm lỗ chứ chưa đưa được lợi nhuận về con số dương. Như vậy, kể từ khi niêm yết trên sàn vào năm 2019 đến nay, BOT Cầu Thái Hà đã có tới 14 quý lỗ trải dài và chỉ có duy nhất quý IV/2021 là ghi nhận có lãi.

Tổng tài sản của công ty tính đến quý III/2022 đạt 1.463 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với hồi đầu năm với rất nhiều khoản mục ghi nhận bằng 0 như: các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, hàng tồn kho,…

BOT Cầu Thái Hà ghi nhận tổng nợ phải trả tại thời điểm ngày 30/9 là 1.197 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.204 tỷ đồng hồi đầu năm. Tuy nhiên, tổng nợ hiện tại bằng gần 82% tổng tài sản và cao gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận còn gần 49 tỷ đồng (giảm được khoảng 27 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn đi ngang ở mức trên 958 tỷ đồng.

Cổ phiếu của doanh nghiệp này từng được giao dịch quanh vùng giá hơn 60.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá BOT cũng đi ngang ở mức 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu suốt từ tháng 3/2019 tới tháng 11/2021.

Tuy nhiên, hiện mã này đã sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 5.400 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 20/10). Tương ứng thị giá giảm khoảng 10 lần.

Nhiều lần "kêu cứu" Bộ Giao thông Vận tải

BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và XNK Bình Minh để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Dự án có tổng mức đầu tư là 1.709 tỷ đồng, bắt đầu chạy thử nghiệm thu phí từ tháng 5/2018 và chính thức thu phí từ ngày 10/2/2019, thời gian thu phí hoàn vốn được tính toán là 19 năm 3 tháng.

Tuy nhiên kể từ ngày dự án được thu phí chính thức tháng 2/2019 đến nay, đại diện CTCP BOT Cầu Thái Hà (đại diện nhà đầu tư) từng chia sẻ với báo chí rằng lượng xe qua trạm BOT cầu Thái Hà chỉ lác đác, doanh thu từ thu phí trong các năm đều không đạt kế hoạch.

Theo tính toán của đại diện Nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà, với tình hình lưu lượng, doanh thu thực tế từ thời điểm bắt đầu thu phí đến nay, đến thời điểm kết thúc thu phí hoàn vốn đầu tư Dự án như dự kiến trong phương án tài chính hợp đồng BOT (tháng 7/2036), dư nợ vốn vay của Dự án sẽ lên đến 6.084 tỷ đồng (vốn vay ban đầu của Dự án là 1.038 tỷ đồng). Như vậy, càng kéo dài thời gian thu phí, doanh nghiệp càng lỗ, không có nguồn tài chính để bù đắp.

Hồ sơ doanh nghiệp - BOT cầu Thái Hà tiếp tục thua lỗ, nợ phải trả chiếm 82% tổng tài sản

Dự án BOT cầu Thái Hà.

Trước việc doanh thu dự án chỉ đạt 12% so với kế hoạch, trong khi các khoản nợ ngân hàng, trả lãi vay, chi phí vận hành, bảo trì dự án, trạm thu phí vẫn phải duy trì thường xuyên nên nhà đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ mua lại dự án, giúp nhà đầu tư tránh việc phá sản.

Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện cả nước có 7 dự án BOT đang gặp vướng mắc, khó khăn về doanh thu và vị trí đặt trạm thu phí.

Hiện đã có 4 dự án đã được Bộ GTVT đề xuất Chính phủ mua lại, với dự án BOT cầu Thái Hà, là 1 trong 3 dự án còn lại Bộ GTVT đang yêu cầu rà soát, kiểm tra và đánh giá lại xem đề nghị nhà nước mua lại trạm thu phí BOT của nhà đầu tư có hợp lý, hoặc Bộ GTVT sẽ tìm phương án khác.