Bức tranh tài chính Tập đoàn Khải Vy: Báo động khả năng thanh toán ngắn hạn

Trong 4 năm liên tiếp (2016 – 2019), hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy đều ở mức rất thấp, khi nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn.

Bức tranh tài chính Tập đoàn Khải Vy: Báo động khả năng thanh toán ngắn hạn

Khải Vy là ai?

Giới tài chính – bất động sản có lẽ không còn xa lạ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy (gọi tắt là Tập đoàn Khải Vy) - đơn vị có khoản nợ khổng lồ lên tới 1.035 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

BIDV Phú Tài gần đây đã phải rao bán 9 tài sản bảo đảm của Tập đoàn Khải Vy để thu hồi nợ. Danh mục 9 tài sản này gồm nhiều bất động sản và máy móc thiết bị của công ty này, gồm: quyền sử dụng đất và công trình trên đất (tòa nhà Crytal Palace tại quận 7, TP. HCM); 367ha rừng trồng tại lâm trường Đắk Hà, tỉnh Đắk Nông; 6 ô tô các loại, hơn 8,7 triệu cổ phần tại Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang;

Các khoản phải thu trị giá 51 tỷ tại Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang; máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Tập đoàn Khải Vy; công trình trên đất, máy móc thiết bị sản xuất gỗ của Công ty Thương mại sản xuất Duyên hải tại TP. Quy Nhơn; công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Công ty Thương mại sản xuất Khải Vy Quy Nhơn tại TP. Quy Nhơn; máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khải Vy.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Khải Vy xuất phát là một đơn vị sản xuất đồ gỗ, sau đó định hướng phát triển đa ngành mà dấu mốc chính là việc thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy vào năm 2000.

Từ đồ gỗ, Khải Vy mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, đánh dấu bằng sự ra đời của Công ty Cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang nhằm mục đích đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 42 triệu USD với 49 bungalow và 15 căn villa.

Khải Vy Group sau đó cũng tiến hành phát triển dự án Crystal Palace (trung tâm hội nghị tiệc cưới và khách sạn) tại quận 7, TP. HCM. Kế tiếp là dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại phường Phú Thuận, quận 7 (được TP. HCM chấp thuận đầu tư năm 2017).

Gần đây nhất, Tập đoàn Khải Vy được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hơn 1.400m2 đất nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ để thực hiện dự án Merperle Dalat Hotel tại phường 10, thành phố Đà Lạt.

Tập đoàn Khải Vy: Những chỉ số báo động

Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy được lập ra năm 2000, ban đầu do ông Đoàn Văn Trang làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Trang sinh năm 1963, có hộ khẩu thường trú tại phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM.

Tại thời điểm tháng 1/2018, Tập đoàn Khải Vy có vốn điều lệ 173,08 tỷ đồng – giảm rất mạnh so với con số trước đó là 713 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2018, vốn điều lệ của Tập đoàn Khải Vy lại tăng lên 176 tỷ đồng rồi tiếp tục tăng lên 458,76 tỷ đồng vào tháng 3/2019.

Tháng 10/2019, chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Khải Vy bất ngờ đổi từ ông Trang sang ông Nguyễn Quốc Bảo. Ông Bảo sinh năm 1960, có hộ khẩu thường trú tại phường 7, quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Tháng 8/2020, trụ sở của Tập đoàn Khải Vy chuyển về 422 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, quận 7, TP. HCM và cố định cho đến hiện nay.

Về tình hình tài chính của Tập đoàn Khải Vy, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy công ty có quy mô tài sản khá lớn, đạt tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của công ty đã suy giảm rất mạnh, từ 3.073 tỷ đồng xuống 2.006 tỷ đồng, tương đương giảm 35%.

Đa phần tài sản của công ty được hình thành từ nợ phải trả - đạt mức cao nhất vào năm 2018 với 2.785 tỷ đồng. Tính chung giai đoạn 2016 – 2019, quy mô nợ phải trả đã giảm từ 2.351 tỷ đồng xuống 1.719 tỷ đồng, tương đương giảm 27%.

Vốn chủ sở hữu cũng giảm trong cũng giai đoạn, từ 721 tỷ đồng xuống 286 tỷ đồng, do giảm vốn điều lệ (như đã nói ở trên).

Như vậy, có thể thấy, Tập đoàn Khải Vy có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu rất cao, lần lượt là: 3,2 lần (2016), 3,1 lần (2017), 11,4 lần (2018) và 6 lần (2019).

Điều đáng lo ngại hơn cả là Tập đoàn Khải Vy có hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn rất thấp, đến mức đáng báo động khi liên tục trong nhiều năm, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ nợ ngắn hạn/tài sản ngắn hạn là 1.357 tỷ đồng/1.227 tỷ đồng; năm 2017 là 1.513 tỷ đồng/1.302 tỷ đồng; năm 2018 là 1.482 tỷ đồng/1.455 tỷ đồng; năm 2019 là 1.240 tỷ đồng/494 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Khải Vy trồi sụt khá mạnh, lần lượt là 640 tỷ đồng, 752 tỷ đồng, 608 tỷ đồng và 662 tỷ đồng.

Trong 4 năm nói trên, có tới 3 năm, công ty kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp gồm: -17,8 tỷ đồng (2017), -141 tỷ đồng (2018), -27 tỷ đồng (2019).

Bởi vậy mà dù ở từng năm có những khoản thu nhập khác bù đắp vào, Tập đoàn Khải Vy vẫn chịu lỗ rất lớn ở các năm 2017 và 2019 với mức lỗ lần lượt là: -202 tỷ đồng và -87 tỷ đồng.

(Còn tiếp)