Các doanh nghiệp bốc hơi hàng tỷ USD vốn hóa năm qua và cái tên ngược chiều

Trong khi nhiều doanh nghiệp bị thổi bay hàng tỷ USD vốn hóa trong suốt một năm qua và vẫn đang chật vật lấy lại những gì đã mất, một ngân hàng lại vừa lập kỷ lục mới về giá trị trong tháng 1.

Từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2023, cùng với sự biến động của thị trường chứng khoán, câu lạc bộ doanh nghiệp tỷ USD cũng liên tục xáo trộn. Vào tháng 3/2022, khi VN-Index chuẩn bị tiệm cận mốc 1.500 điểm cũng là lúc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM ghi nhận kỷ lục 49 doanh nghiệp đạt cột mốc vốn hóa tỷ USD. Dù thế, đến tháng 10/2022, số doanh nghiệp giữ được vốn hóa tỷ USD chỉ còn lại 34. Còn kết thúc tháng 1 vừa qua, con số này tăng lên 38 doanh nghiệp.

Trong số 49 doanh nghiệp tỷ USD trên HoSE một năm qua, có 31 cái tên luôn góp mặt trong danh sách bất chấp biến động của thị trường. Trong khi đó, một số thương hiệu chỉ trụ lại được trong nhóm vốn hóa tỷ USD vài tháng như Viglacera (mã chứng khoán: VGC) - 5 tháng, DIC Group (mã: DIG) - 5 tháng, Gelex (mã: GEX) - 4 tháng, Đạm Phú Mỹ (mã: DPM) - 2 tháng, Đất Xanh (mã: DXG) - 2 tháng.

Đặc biệt, có 4 doanh nghiệp đạt cột mốc vốn hóa trên 10 tỷ USD gồm Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), BIDV (BID). Trong đó, Vietcombank luôn giữ vững ngôi vị quán quân về vốn hóa trên thị trường với giá trị chục tỷ USD xuyên suốt một năm qua. Vingroup và Vinhomes có 3 lần chứng kiến giá trị tụt xuống dưới 10 tỷ USD vào tháng 9-10/2022 và tháng 1 vừa qua. Còn BIDV chỉ một lần vượt qua mốc vốn hóa 10 tỷ USD vào tháng 1 năm trước.

Trong một năm các thị trường chứng khoán rung lắc quá dữ dội, giá trị của các doanh nghiệp tỷ USD cũng trồi sụt mạnh. Nếu tính từ "đỉnh cao" đến "vực sâu", vốn hóa của Vinhomes bị thổi bay gần 190.000 tỷ đồng (8 tỷ USD - tương ứng 54% so với mức đỉnh), Vingroup là 164.000 tỷ đồng (7 tỷ USD - 44%), Hòa Phát là 120.000 tỷ đồng (5,1 tỷ USD - 57%).

Tuy nhiên, dù giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp phần lớn đạt đỉnh vào đầu năm 2022 trước khi rơi xuống đáy vào những tháng cuối cùng của năm ngoái, vẫn có trường hợp ngoại lệ như Vietcombank. Ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng chạm đáy về vốn hóa vào tháng 9/2022 nhưng đã hồi phục nhanh chóng, không chỉ lấy lại những gì đã mất mà thậm chí còn lập kỷ lục mới về vốn hóa gần 435.000 tỷ đồng (18,5 tỷ USD) vào tháng 1 vừa qua.