Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023. Trong khi đó vào cùng kì năm ngoái, ghi nhận có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành lên tới 25.923 tỷ đồng.
Còn trong cả năm 2022, có 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu năm 2022 về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. So với năm 2021, lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%.
Cũng theo báo cáo này, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022. Nhóm Ngân hàng tiếp tục chiếm đa số với 3.269,5 tỷ đồng phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỷ đồng phát hành ra công chúng. 3 đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty Chứng khoán và Bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.
Trong tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 1/2023 là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Theo thống kê của VBMA, trong năm 2023, sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu tới kỳ hạn đáo hạn.
Về việc phát hành mới, sắp tới chỉ có 2 công ty dự kiến phát hành trái phiếu trong thời gian tới là CTCP Tập đoàn Masan với phương án chào bán ra công chúng 1.500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023, kỳ hạn 60 tháng với mức lãi suất cố định 9,5% trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên và lãi suất thả nổi là Lãi suất tham chiếu + 3,975%/năm trong các kỳ tính lãi còn lại.
Trong tháng 1/2023, Kho bạc Nhà nước đã tiến hành tổ chức 8 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu (GTGT) là 34.000 tỷ đồng, tỉ lệ trúng thầu là 96,6%.
Kho bạc Nhà nước tiến hành gọi thầu các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm tuy nhiên chỉ trái phiếu 10 năm và 15 năm trúng thầu, lần lượt ở mức 16.332 tỷ đồng và 16.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu trung bình của kỳ hạn 10 năm đã giảm trong tháng 1 xuống 4,45% (giảm 0,3% so với tháng 12/2022), kỳ hạn 15 năm cũng giảm xuống 4,65% (giảm 0,22% so với tháng 12/2022).
Giá trị phát hành trái phiếu Chính phủ trong tháng 1/2023 tương ứng 8,2% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng) và 30,4% kế hoạch quý I/2023 (108.000 tỷ đồng). Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu 10 năm đạt 36,3% kế hoạch quý I/2023 và giá trị phát hành trái phiếu 15 năm đạt 36,7%.
Ngoài ra, không có trái phiếu chính phủ bảo lãnh nào được phát hành.