Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Trọng tâm của thị trường trong tuần này chủ yếu là mùa báo cáo lợi nhuận quý IV của các doanh nghiệp Mỹ, với dự kiến sẽ cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn của các cổ phiếu chu kỳ so với các công ty công nghệ.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý IV

“Lợi nhuận dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn ở mức 25% đến 30%”, Jonathan Golub, Giám đốc chiến lược cổ phần của Credit Suisse tại Mỹ cho biết.

Chỉ số Dow Jones đã đóng cửa ở mức thấp hơn vào thứ Sáu (14/1) do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của các cổ phiếu ngân hàng lớn JPMorgan Chase và Citigroup sau khi kết quả lợi nhuận quý IV làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm doanh thu giao dịch chứng khoán và tăng trưởng cho vay.

Các giám đốc điều hành ngân hàng dự kiến sẽ lạc quan về triển vọng, nhưng như một số nhà phân tích đã lưu ý rằng cổ phiếu ngân hàng thường hoạt động tốt hơn trước khi tăng lãi suất so với sau khi tăng lãi suất.

Cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng gặp khó

Các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ đã có một khởi đầu khó khăn vào năm 2022 khi các nhà đầu tư tìm lý do để tiếp tục kiên định trước các đợt tăng lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Các nhà đầu cơ cổ phiếu công nghệ đang kỳ vọng một mùa báo cáo lợi nhuận tích cực để có thể đảo ngược sự sụt giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và kỳ vọng rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lạm phát.

Khi Fed tăng lãi suất ngắn hạn, các nhà đầu tư sẽ theo dõi xem lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng cao như thế nào. Lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ làm lợi nhuận trong tương lai giảm nhiều hơn, điều này sẽ tác động tiêu cực đối với cổ phiếu tăng trưởng.

"Với hiệu suất của những cổ phiếu công nghệ này gần đây thì liệu báo cáo lợi nhuận có phải là cứu tinh cho các cổ phiếu này hay không là điều các nhà đầu tư đang quan tâm”, Walter Todd, giám đốc đầu tư của Greenwood Capital cho biết.

Hành động của các ngân hàng trung ương

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) được dự báo sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất và sửa đổi dự báo lạm phát trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào thứ Ba (18/1). Trong khi lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu 2% của BOJ, sự tăng vọt gần đây của chi phí hàng hóa toàn cầu đã khiến nhiều công ty tăng giá.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố biên bản cuộc họp vào tháng 12 vào thứ Năm (20/1) trong bối cảnh cuộc tranh luận đang diễn ra về cách tốt nhất để chống lại áp lực giá gia tăng trong khu vực.

Trong khi đó, Fed bước vào giai đoạn trầm lắng truyền thống trước cuộc họp chính sách sắp diễn ra vào ngày 24/1 và 25/1.

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Đây sẽ là một tuần nhẹ nhàng trong lịch kinh tế của Mỹ với chủ yếu là các thông tin cập nhật về lĩnh vực nhà ở và các cuộc khảo sát sản xuất.

Các cuộc khảo sát sản xuất sẽ cho thấy mức độ ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đối với hoạt động của nhà máy, trong khi dữ liệu về nhà ở dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, hiện không có dữ liệu nào có khả năng làm thay đổi đáng kể kỳ vọng của thị trường đối với đợt tăng lãi suất của Fed vào tháng 3.

GDP của Trung Quốc

Dữ liệu GDP của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Hai (17/1) dự kiến cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,6% trong quý IV, tốc độ chậm nhất kể từ quý II/2020 do chịu áp lực bởi sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, hạn chế nợ và các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát Covid-19.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều sóng gió vào năm 2022 bao gồm cả sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản và những hạn chế mới về di chuyển trong bối cảnh sự lan rộng gần đây của biến thể Omicron tại các tỉnh ở Trung Quốc.

Triển vọng kinh tế ảm đạm có thể gây thêm áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các biện pháp nới lỏng hơn, mặc dù các nhà phân tích tin rằng họ có thể sẽ ủng hộ việc bơm nhiều tiền mặt vào nền kinh tế hơn là cắt giảm lãi suất quá mạnh.

Hôm Chủ nhật (16/1), các nhà lập kế hoạch nhà nước của Trung Quốc đã kêu gọi các chính quyền địa phương giảm thiểu tác động từ các biện pháp hạn chế Covid-19 trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới để giúp tiêu thụ phục hồi.