Trẻ em đeo khẩu trang khi đến trường ở Sejong, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Theo trang Guardian (Anh), một số quốc gia châu Á – Thái Bình Dương vẫn quyết định mở cửa trường học giữa đại dịch và đang áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, giảm số lượng học sinh và thậm chí cấm học sinh trò chuyện để tránh lây nhiễm. Song một số quốc gia khác vẫn duy trì đóng cửa để ngăn chặn biến thể Delta lây lan trong trường học.
Trung Quốc
Biến thể Delta bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc từ cuối tháng 7, khi các trường học đang trong thời gian nghỉ hè. Việc người dân đổ xô đi du lịch đã khiến các ca nhiễm lan rộng và trở thành đợt bùng phát tồi tệ nhất mà nước này từng ghi nhận kể từ năm 2020. Bắt đầu từ Nam Kinh, biến thể Delta nhanh chóng xuất hiện ở hơn một nửa trong số 31 tỉnh và hàng chục thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh.
Nhờ nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm việc xét nghiệm cho hàng chục triệu dân và phong tỏa cục bộ, đến nay Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh. Điều này cho phép nhiều trường học mở cửa trở lại vào tháng 9.
Tại Nam Kinh, các trường tiểu học và trung học cơ sở ở các vùng nguy cơ cao sẽ phải hoãn khai giảng 2 tuần. Các trường ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Tứ Xuyên sẽ mở cửa trở lại bình thường trong tháng này, nhưng có thể phải áp đặt một số hạn chế.
Học sinh trung học ở Nam Kinh xếp hàng chờ đăng ký tiêm vaccine Ảnh: China Daily
Tại các khu vực có nguy cơ thấp ở Bắc Kinh, giáo viên và học sinh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và mã xanh trên ứng dụng thẻ thông hành sức khỏe để trở lại trường học. Tất cả các hội nghị, hoạt động, trại hè không thiết yếu và huấn luyện quân sự của sinh viên đều bị hủy bỏ hoặc chuyển sang chế độ trực tuyến. Ở Thâm Quyến, học sinh sẽ trở lại trường học, nhưng bắt buộc phải kiểm tra nhiệt độ, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay sát khuẩn.
Trung Quốc cũng đang triển khai tiêm phòng cho trẻ em. Tháng trước, Bộ Giáo dục đã kêu gọi chính quyền địa phương thúc đẩy tiêm chủng cho học sinh sau khi một số tỉnh công bố đủ điều kiện tiêm vaccine cho trẻ em từ 3 – 17 tuổi. Một số khu vực, như tỉnh Quảng Tây, bắt buộc học sinh phải tiêm chủng. Những nơi khác còn yêu cầu toàn bộ gia đình của học sinh tiêm phòng để trẻ em có thể trở lại trường học.
Nhật Bản
Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 do biến thể Delta gây ra, với số ca mắc bệnh ở người trẻ tuổi gia tăng mạnh mẽ.
Các trường hợp dưới 20 tuổi mắc COVID-19 trong đợt dịch mới nhất đã tăng từ mức trung bình khoảng 3.500 ca/tuần vào giữa tháng 7 lên trên 22.000 ca/tuần chỉ sau một tháng. Mặc dù nước này đã phê duyệt vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ từ 12 - 15 tuổi, nhưng việc triển khai còn chậm. Trong bối cảnh đó, các trường học trên cả nước đang áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tại Nhật Bản, quyết định mở cửa trường học sau kỳ nghỉ hè và việc áp dụng các biện pháp phòng dịch phụ thuộc vào quyết định của từng thành phố. Một số chính quyền địa phương đã kéo dài kỳ nghỉ, trong khi nhiều khu vực khác dự kiến sẽ chia ca lớp học, một nửa học buổi sáng và một nửa học buổi chiều.
Tháng trước, Bộ Giáo dục đã ban hành chỉ dẫn yêu cầu các trường học hoãn giảng dạy trong tối đa 7 ngày nếu xác nhận có nhiều ca nhiễm virus trong lớp. Song thông điệp của giới chức vẫn là duy trì mở cửa trường học.
“Chúng tôi sẽ không kêu gọi đóng cửa hàng loạt vì chúng tôi hy vọng có những quyết định linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh của từng khu vực,” Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda nói.
Một nhóm nữ sinh đeo khẩu trang ở Ikebukuro, Tokyo. Ảnh: Shutterstock
Tại các thành phố Yokohama và Kawasaki, ở phía nam Tokyo, lịch khai giảng đã bị lùi lại đến ngày 3/9. Trong tuần đầu tiên, học sinh sẽ chỉ học vào buổi sáng. Các câu lạc bộ thể thao của trường và các hoạt động khác đều phải tạm dừng. Nhật Bản cũng sẽ tăng cường xét nghiệm tại các trường học trên khắp đất nước.
Hàn Quốc
Các ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng lên trong những tuần gần đây, nhưng giới chức xác định lợi ích liên quan đến các lớp học trực tiếp lớn hơn nguy cơ COVID-19 ở trẻ em. Hàn Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong trường học, ngay cả ở những khu vực có đông học sinh nhất, như Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận.
Tính đến tháng 8, chỉ hơn một nửa trong số khoảng 6 triệu học sinh đã trở lại lớp học sau kỳ nghỉ hè. Kế hoạch này nhằm mục đích cho tất cả học sinh trở lại trường trước ngày 6/9, với điều kiện vẫn duy trì các biện pháp phòng COVID-19 ở cấp độ 3, cấp độ hạn chế cao thứ 2 tại nước này.
Học sinh phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt, như kiểm tra nhiệt độ, luôn đeo khẩu trang, ngoại trừ khi ăn, lắp đặt hệ thống thông gió, giữ vệ sinh và duy trì khoảng cách tối thiểu 1m.
Đến đầu tháng 9, tất cả giáo viên phải được tiêm phòng đầy đủ. Học sinh trung học cũng sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, trước kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia dự kiến diễn ra vào ngày 18/11. Nước này đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi vào cuối năm nay.
Indonesia
Học sinh tại Jakarta, Indonesia, trở lại trường học. Ảnh: Shutterstock
Nhiều tỉnh Indonesia vẫn triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến do ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vẫn ở mức cao. Song, các trường học ở một số vùng sẽ sớm đón học sinh trở lại.
Tại Jakarta, nơi các ca COVID-19 đã giảm, 610 trường học đã mở cửa vào hôm 30/8, sau gần 18 tháng đóng cửa. Tuy nhiên, các trường đã áp dụng các biện pháp phòng dịch một cách thận trọng. Các trường học sẽ chỉ hoạt động 50% công suất, một nửa số học sinh học trực tuyến. Học sinh không được phép trò chuyện trong lớp, phải đeo khẩu trang mọi lúc và tự chuẩn bị đồ ăn. Tất cả giáo viên phải được tiêm phòng.
Jakarta cũng là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước. Hơn 90% trẻ em từ 12-18 tuổi và 85% nhân viên giáo dục đã được tiêm chủng đầy đủ.
Indonesia là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới. Trên 1.200 trẻ em - một nửa dưới 1 tuổi - đã qua đời sau khi mắc COVID-19.
Ấn Độ
Một học sinh Ấn Độ đến một ngôi trường ở Chennai. Ảnh: Getty Images
Kể từ khi áp đặt phong tỏa vào tháng 3/2020, gần 250 triệu trẻ em Ấn Độ đã không đến trường trong suốt 18 tháng. Các trường học trên khắp đất nước đã phải triển khai giảng dạy trực tuyến, nhưng hàng triệu trẻ sống ở vùng nghèo khó hoặc vùng nông thôn, không có điện thoại hoặc máy tính, không có cơ hội học từ xa. Ở một số bang của Ấn Độ, các trường học đã tái mở cửa từ đầu năm 2021, nhưng nhanh chóng phải đóng cửa trở lại vào tháng 4 khi làn sóng Delta càn quét đất nước.
Kể từ cuối tháng 7, các trường học ở các bang Gujarat, Bihar, Uttarakhand Madhya Pradesh và Bihar, đã dần mở cửa lại. Delhi đã thông báo các trường học sẽ mở cửa từ tháng 9. Ấn Độ dự kiến tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên từ tháng 10.
Australia
Nhiều trường học tại những điểm nóng dịch bệnh ở Australia đã phải đóng cửa. Trong đó, các trường tại New South Wales - bang đông dân nhất đang vật lộn với làn sóng COVID-19 - sẽ tiếp tục đóng cửa đến cuối tháng 10. Học sinh tại đây phải học trực tuyến trong nhiều tháng. Trong khi ở những nơi có số ca mắc thấp, các lớp học vẫn hoạt động bình thường,
Trước tình trạng trẻ em mắc COVID-19 ngày càng gia tăng và nhiều người không đủ điều kiện tiêm vaccine, giới chức đang thảo luận về việc áp đặt các biện pháp cần thiết để tái mở cửa trường học, như quy định đeo khẩu trang, hệ thống thông gió đảm bảo tiêu chuẩn phòng dịch.
Fiji
Trẻ em chơi trên sông ở Fiji. Ảnh: Guardian
Biến thể Delta lan rộng ở Fiji đã buộc nhiều trường học phải chuyển sang học trực tuyến. Điều đó đã đặt ra một số thách thức cho giáo viên và học sinh ở các vùng sâu vùng xa trên hòn đảo chính Viti Levu. Một số học sinh phải đi bộ qua những địa hình hiểm trở để đến những nơi có máy tính, trong khi những người khác phải leo lên đồi để bắt tín hiệu Internet tốt hơn.
Thầy Atunaisa Waqaicelua, giáo viên trung học ở Làng Nanoko trên đảo Viti Levu, chia sẻ: “Vị trí địa lý của những ngôi trường vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa này là thách thức lớn nhất. Có rất ít học sinh có thể truy cập Internet hoặc sử dụng công nghệ cần thiết để học trực tuyến”.
Cho đến nay, chỉ có 2 trường hợp tử vong do COVID-19 được ghi nhận ở trẻ em ở Fiji. Cả hai trường hợp đều chưa được tiêm vaccine vì chỉ những người trên 18 tuổi mới đủ điều kiện tiêm chủng.