Cách chống dịch mới để nền kinh tế không ‘đứt gãy’

TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh và Bắc Giang là 4 trung tâm công nghiệp, cũng là 4 ổ dịch Covid-19 lớn nhất. Tuy vậy, cách chống dịch lần này đã khác, hạn chế được sự đứt gãy kinh tế.

Trong 10 địa phương xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, 4 đang là những ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất. Đó là TP.HCM, Bắc Ninh, Hà Nội và Bắc Giang. “Đứt gãy”, đình trệ sản xuất đang là nỗi lo lớn cho cả nền kinh tế.

Tuy vậy, cách chống đợt dịch lần thứ tư cũng đã khác, Chính phủ đang chứng tỏ vừa có thể dập dịch, vừa duy trì sản xuất để nền kinh tế không “đứt gãy”. Việc phong tỏa không bị áp dụng đại trà mà có sự tính toán kỹ lưỡng.

Vào cuối tuần trước, những nhà máy đầu tiên tại Bắc Giang đã đón công nhân trở lại sản xuất dù trước đó, đây chính là ổ dịch nguy hiểm.

Năm 2020, Bắc Giang vươn lên trở thành “ngôi sao” mới của kinh tế Việt Nam khi là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (13,2%). Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều địa phương, Bắc Giang thu hút mạnh mẽ vốn FDI từ nhiều nhà đầu tư lớn quốc tế như Foxconn hay Luxshare, và hàng loạt những nhà đầu tư nhỏ khác, đóng vai trò “mắt xích” trong chuỗi cung ứng.

Xuất khẩu của Bắc Giang năm 2020 đạt 10,7 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2019. Kết quả đó có được dù nhiều dự án lớn của Foxconn hay Luxshare - hai nhà cung cấp lớn nhất của Apple - chưa đi vào hoạt động. Khi dịch Covid-19 chưa đến Bắc Giang, trong 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng tới 43,7%, giá trị xuất khẩu tăng kỷ lục 92%.

Nhiều chuyên gia nhận định nếu cứ đà tăng trưởng hiện tại, Bắc Giang sẽ sớm vươn lên trong top 3 địa phương xuất khẩu nhiều nhất cả nước. Top 3 hiện tại là TP.HCM, Bắc Ninh và Bình Dương.

duy tri san xuat trong boi canh dich covid-19 anh 1

 

Trong khi đó, TP.HCM, Bắc Ninh và Hà Nội - 3 địa phương khác đang có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất - cũng là 3 đầu tàu về xuất khẩu. TP.HCM năm ngoái xuất khẩu 44,3 tỷ USD, Bắc Ninh xuất khẩu 39 tỷ USD, Hà Nội xuất khẩu 15 tỷ USD. Tính chung 4 địa phương (thêm Bắc Giang) thì chiếm 40% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Riêng TP.HCM và Hà Nội thì chiếm 40% GDP của cả nước.

“Nỗi lo đứt gãy sản xuất là hoàn toàn có cơ sở”, PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định với Zing.

Ông Tuấn nhắc đến hình ảnh Bắc Ninh dùng nhiều khối bê tông, gạch đá, thậm chí là đổ đất… để bịt một số lối đi vào tỉnh, chỉ cho phép đi qua một số lối đi có kiểm soát, đủ để thấy tỉnh này lo sợ Covid-19 bùng phát đến mức nào.

Nếu Bắc Ninh bị đình trệ sản xuất, 1/7 giá trị xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, khoảng 400.000 công nhân của tỉnh này sẽ khó khăn về việc làm, gây ra những hệ quả về cả an sinh, xã hội.

duy tri san xuat trong boi canh dich covid-19 anh 2

 

Tương tự, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM liên tục tăng lên gây ra nỗi lo lan tới các khu công nghiệp. TP.HCM đang có khoảng 276.000 công nhân, làm việc tại 1.100 doanh nghiệp, tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Không chỉ vậy, nền sản xuất của TP.HCM có mối giao thoa phức tạp với các tỉnh Đông Nam Bộ khác, đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai.

Việc dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM còn gây ra nỗi lo lan tới các địa phương lân cận là Đồng Nai (năm ngoái xuất khẩu 18,8 tỷ USD), Bình Dương (năm ngoái xuất khẩu 27,8 tỷ USD), Long An (năm ngoái xuất khẩu 6,1 tỷ USD)…

Từ đợt dịch bùng phát cuối tháng 1 tại Hải Dương, việc phong tỏa các vùng có dịch được cơ quan chức năng hạn chế. “Chúng ta nên giãn cách trên diện rộng, phong tỏa trên diện hẹp để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói trong một cuộc họp ở Hải Dương vào ngày 14/2.

Thực tế tại Hải Dương, tỉnh này giãn cách xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhưng chỉ phong tỏa “cứng” 2 nơi là huyện Cẩm Giàng và TP Chí Linh. “Giãn cách rộng, nhưng phong tỏa hẹp” cũng là chiến lược tương tự đang áp dụng tại Bắc Giang, dù tỉnh này ghi nhận hàng nghìn ca bệnh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nói rằng: “Nếu khoanh toàn bộ tỉnh Bắc Giang lại thì quá dễ dàng, nhưng vì muốn giữ sản xuất, muốn giữ đời sống của nhân dân, nên phải chống dịch và tránh gây tổn thất đến kinh tế nhất có thể”.

duy tri san xuat trong boi canh dich covid-19 anh 3

 

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết nếu “khóa cứng” toàn bộ tỉnh, hậu quả cho sản xuất và kinh tế là rất lớn. Về nông nghiệp, khoảng 180.000 tấn vải của tỉnh này đang vào mùa thu hoạch rất khó giải quyết đầu ra. Việc phong tỏa sẽ gây khó khăn cho vận chuyển, lưu thông, kiểm soát người ra - vào thu mua và mang đi tiêu thụ. Đó là chưa kể hàng chục nghìn tấn các loại nông sản khác của Bắc Giang.

Phong tỏa Bắc Giang cũng đồng nghĩa gây khó khăn cho việc lưu thông cho tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 1A nối Hà Nội với Lạng Sơn. Dọc hai bên là hàng loạt nhà máy, khu công nghiệp đình trệ. Nếu phong tỏa, sản xuất sẽ gặp khó khăn.

Mặt khác, nhiều nhà máy ở Bắc Ninh và các địa phương khác sử dụng nguyên phụ liệu, linh kiện được sản xuất ở Bắc Giang và ngược lại. Do đó, nếu sản xuất ở Bắc Giang hay Bắc Ninh đình trệ, hậu quả sẽ kéo theo cả một chuỗi các nhà máy.

Ông Tấn còn nêu thực tế nhiều người Bắc Ninh đang làm việc ở các khu công nghiệp của Bắc Giang, ngược lại cũng nhiều người Bắc Giang làm việc ở các khu công nghiệp Bắc Ninh. Nếu phong tỏa diện rộng, việc đi lại và trao đổi công nhân gặp khó khăn, gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất ở các nhà máy.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc duy trì nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn mới từ đợt dịch này là thách thức rất lớn. Tuy vậy, ông đánh giá cao quan điểm chống dịch của Chính phủ với tinh thần chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ.

Ông cũng cho rằng với ổ dịch mới tại TP.HCM, việc giãn cách xã hội là điều rất cần thiết, nhưng nếu tính đến phong tỏa phải lưu ý tránh ảnh hưởng tiêu cực quá mức tới sản xuất. TP.HCM hiện là đầu tàu kinh tế, đóng góp lớn nhất cho xuất khẩu của cả nước. “Nếu TP.HCM khó khăn, mục tiêu kép của cả nước sẽ rất khó hoàn thành”, ông nói.

Từ ngày 28/5, 2 công ty ở Bắc Giang đã đón công nhân trở lại sản xuất. Đến ngày 30/5 có thêm 7 doanh nghiệp nữa. Đã có 4.000 công nhân Bắc Giang trở lại sản xuất ở khu công nghiệp Quang Châu, Đình Trám và Vân Trung. Trước đó, Vân Trung và Quang Châu là 2 ổ dịch nghiêm trọng của Bắc Giang.

Song song chống dịch, Bắc Giang đã tái khởi động hoạt động các nhà máy để tránh “đứt gãy” sản xuất trong thời gian dài. Cách làm được tỉnh này áp dụng là tiêu chuẩn hóa quy trình và điều kiện trở lại làm việc. Mặc khác, Bắc Giang cũng chuyển F1 đang cách ly tại các khu công nghiệp đi nơi khác.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết kinh nghiệm để tỉnh để phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất là cần thực hiện thoáng khí và giãn cách tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp điện tử cần chia theo nhóm nhỏ cùng sản xuất và sinh hoạt; xe đưa đón công nhân cần cố định theo danh sách. Các địa điểm sinh hoạt của công nhân cũng được tách biệt trong bối cảnh hiện tại.

Bắc Giang dự kiến sẽ cấp phép cho nhiều doanh nghiệp khác nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để trở lại làm việc.

Ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì một cuộc họp với 63 địa phương để bàn việc phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, duy trì sản xuất, không để “đứt gãy”. Ông nhấn mạnh các địa phương phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm này, tránh xảy ra những diễn biến bất ngờ, phức tạp.

duy tri san xuat trong boi canh dich covid-19 anh 4

 

Một thông điệp nữa được Thủ tướng lưu ý là chuyển trạng thái “phòng thủ” tại các khu công nghiệp sang “tấn công” dịch bệnh. Một trong những biện pháp “tấn công” là ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân.

Bộ Y tế cho biết đã ưu tiên cho Bắc Giang 100.000 liều và Bắc Ninh và 200.000 liều để tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong khoảng 7 ngày tới, việc tiêm số vaccine này sẽ được hoàn thành tại 2 tỉnh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết tiêm vaccine, tạo diễn dịch cộng đồng tại các khu công nghiệp vẫn là giải pháp căn cơ nhất để duy trì sản xuất, giúp nền kinh tế không bị “đứt gãy”.

Ông đề xuất sắp tới khi lượng cung vaccine về Việt Nam tăng lên, Chính phủ cần mở rộng đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine sang lực lượng sản xuất kinh doanh để thực hiện “mục tiêu kép”. Chủ tịch VCCI cho biết công đồng doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng chia sẻ với Chính phủ trong việc huy động nguồn lực mua vaccine.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh này sẽ xây dựng mô hình doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19. Ông cho rằng việc “sống chung với dịch bệnh”, duy trì sản xuất và kinh tế là điều mà Bắc Giang hướng tới.

Hiện Bắc Giang chưa đặt vấn đề thay đổi mục tiêu tăng trưởng GRDP đã đặt ra từ đầu năm là 14,5%, thu nhập bình quân đầu người sẽ vượt 3.200 USD.

corona_counter.css