Cập nhật Covid-19 ngày 12/5: Toàn cầu vượt mốc 160 triệu ca mắc; số ca tử vong mới ở Ấn Độ cao kỷ lục, biến thể mới tràn sang 44 quốc gia

12/05/2021 15:31

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 160,33 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,31 triệu ca tử vong và hơn 138 triệu bệnh nhân bình phục.

Cập nhật Covid-19 ngày 12/5: Toàn cầu vượt mốc 160 triệu ca mắc; số ca tử vong mới ở Ấn Độ cao kỷ lục, biến thể mới tràn sang 44 quốc gia

Mỹ vẫn đứng đầu danh sách quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-91, với 596.946 ca tử vong trong tổng số 33.550.106 ca nhiễm.

Tiếp đó là Ấn Độ với 23.340.456 ca nhiễm và 254.225 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục, với 4.200 trường hợp, trong tổng số 348.499 ca nhiễm mới được ghi nhận.

Brazil đứng thứ ba với 15.285.048 ca nhiễm và 425.711 bệnh nhân không qua khỏi.

Xét theo khu vực, châu Âu hiện ghi nhận 45.664.075 ca nhiễm, trong đó có 1.039.427 bệnh nhân tử vong, đứng đầu thế giới về số ca nhiễm.

Châu Á xếp thứ hai với 44.820.920 ca nhiễm, trong đó có 580.798 ca tử vong, trong bối cảnh nhiều nước đối mặt tình hình dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng.

Bắc Mỹ ghi nhận 38.959.834 ca nhiễm, 873.586 ca tử vong, trong khi Nam Mỹ ghi nhận 26.130.261 người mắc bệnh với 710.853 ca không qua khỏi.

Châu Phi ghi nhận hơn 4,69 triệu bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 125.399 ca thiệt mạng. Châu Đại Dương có lần lượt 64.632 ca nhiễm và 1.218 triệu ca tử vong.

* Khu vực Nam Á đang có nguy cơ trở thành “tâm chấn mới của đại dịch tiếp sau Mỹ”. Trong hai tuần qua, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm mới ở khu vực này đã cao hơn tổng số ca trong 6 tháng đầu đại dịch cộng lại - một sự bùng nổ gây choáng váng.

Cùng với Ấn Độ, số ca nhiễm mới đang tăng đáng báo động ở khắp Nam Á, đặc biệt tại Nepal, Pakistan và Sri Lanka do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là đột biến kép tại Ấn Độ.

Trong 1 tuần qua, Nepal đã chứng kiến số ca nhiễm mới trên dưới 9.000 ca/ngày, trong khi con số này trong suốt tháng 3 chỉ là vài chục ca. Số ca nhiễm được ghi nhận tại Nepal hiện nhiều gấp hơn 57 lần so với tháng 4/2021. Tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân tính theo ngày tăng hơn 7 lần chỉ trong vòng 2 tuần.

Tại Sri Lanka, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay đã ghi nhận hơn 18.000 ca nhiễm mới. Nếu ngày 27/4, lần đầu tiên số ca nhiễm theo ngày ở nước này lên mức 4 chữ số, thì đến ngày 10/5, quốc gia Nam Á đã chứng kiến số ca mắc cao nhất từ trước tới nay, 2.672 ca.

Pakistan hồi tháng 2 mỗi ngày trung bình 1.100 ca, nay con số này tăng gấp 5 lần. Maldives ngày 11/5 ghi nhận 1.204 ca mắc mới, trong khi cách đó 1 tuần, con số trung bình hằng ngày khoảng 600 ca.

* Ở các khu vực khác của châu Á, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạo. Tại Iraq, lệnh giới nghiêm hoàn toàn trong vòng 10 ngày đã bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 11/5 trong bối cảnh số ca nhiễm đã lên tới 1.122.914 ca, trong đó có 15.834 ca tử vong.

Tại Nhật Bản, ngày 12/5, tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực tại các tỉnh Aichi ở miền Trung và tỉnh Fukuoka ở phía Nam, kéo dài cho đến ngày 31/5. Đây là hai tỉnh mới được chính phủ Nhật Bản bổ sung vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp, nâng tổng số tỉnh phải áp dụng tình trạng khẩn cấp lên 6.

Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống không phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa trước 20h hằng ngày, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa.

Ngày 11/5, Nhật Bản vẫn ghi nhận thêm 6.244 ca nhiễm mới, trong đó Osaka có 974 ca và Tokyo có 925 ca.

Trong khi đó, có thêm 113 ca tử vong vì dịch Covid-19, trong đó riêng Osaka có 55 ca, cao nhất từ trước tới nay.

Đáng chú ý, số bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch đã tăng cao kỷ lục ngày thứ 4 liên tiếp lên 1.176 ca, tăng 24 ca so với một ngày trước đó. Hệ thống y tế ở Osaka đang cực kỳ căng thẳng khi tỷ lệ chiếm giường dành cho các bệnh nhân nguy kịch đã tăng vượt ngưỡng 158%.

Nhật Bản đã bắt đầu chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm thiếu niên trong độ tuổi từ 12-15, trong bối cảnh số ca nhiễm ở những người trẻ tuổi đang gia tăng.

Cũng trong ngày 12/5, Thái Lan lại ghi nhận số người tử vong do mắc Covid-19 trong 24 giờ qua ở mức cao kỷ lục, với 34 trường hợp không qua khỏi.

Giới chức Thái Lan cũng thông báo ghi nhận thêm 1.983 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên thành 88.907 người, trong đó có 486 người tử vong. Trước đó hôm 11/5, Thái Lan đã ghi nhận 1.919 ca mắc mới, 31 trường hợp tử vong.

Các nhà chức trách y tế Thái Lan hiện đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 70% dân số ở thủ đô Bangkok (khoảng 50 triệu người) trong vòng 2 tháng. Cho đến nay, mới chỉ có hơn 1,6 triệu người từ 60 tuổi trở lên và những người có 7 loại bệnh nền đã đăng ký tiêm chủng ngừa Covid-19, trong đó có 500.000 người ở Bangkok.

* Tại châu Âu, ngày 11/5, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo thông báo, giới chức nước này sẽ cho phép các cơ sở ăn uống và vui chơi trong nhà, có lượng khách lên tới 200 người mở cửa trở lại kể từ ngày 9/6 tới, thời điểm chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đạt kết quả nhất định.

Theo người đứng đầu chính phủ Bỉ, đến thời điểm ngày 9/6, nước này dự kiến sẽ hoàn thành việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 80% nhóm đối tượng trên 65 tuổi và những người dễ bị tổn thương.

Tại Hà Lan, giới chức nước này cũng dự kiến nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch kể từ tuần sau. Theo đó, các phòng tập gym, bể bơi và công viên giải trí sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 19/5, trong khi các quán cà phê và nhà hàng có chỗ ngoài trời vốn đã hoạt động trở lại từ tuần trước, sẽ được phép kéo dài thời gian mở cửa.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Hà Lan, điều kiện để cho phép các dịch vụ vui chơi và ăn uống hoạt động trở lại là số ca mắc Covid-19 nặng tiếp nhận tại các trung tâm hoặc khoa chăm sóc đặc biệt phải giảm sau ngày 17/5.

Cho đến nay, quốc gia 17 triệu dân này đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 6 triệu người. Hà Lan đã ghi nhận tổng cộng 47.108 ca nhiễm mới trong tuần trước, giảm 10% so với tuần trước đó.

Tại Pháp, các nghị sĩ đã bác bỏ việc sử dụng thẻ thông hành được xem như "hộ chiếu Covid-19", chứng nhận người không mắc Covid-19 theo đề xuất của Tổng thống Emmanuel Macron trong kế hoạch tổng thể nhằm giúp kết thúc giai đoạn phải áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch một cách nghiêm ngặt.

* Liên quan biến thể SARS-CoV-2, ngày 11/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, biến thể kép ở Ấn Độ, còn gọi là biến thể B.1.617 đã xuất hiện ở 44 quốc gia và toàn bộ các khu vực trên thế giới.

Biến thể này được cho là nguyên nhân chính gây ra làn sóng bùng phát mạnh dịch Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ, gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông để đề nghị Washington hỗ trợ mua vaccine.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, nước này sẽ cố gắng hỗ trợ các nước khác, song không nêu tên cụ thể những quốc gia đã đưa ra đề nghị trên.

Hiện Mỹ đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng lớn, trong đó có Ấn Độ, yêu cầu Washington chia sẻ số lượng vaccine dư thừa khổng lồ.

Tổng thống Biden hồi tháng trước đã cam kết phân phối 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cho Ấn Độ.

Trước đó, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ cho 2 nước láng giềng là Mexico và Canada vay 4 triệu liều vaccine của AstraZeneca.

Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh và người chết tiếp tục gia tăng. Đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

Bạn đang đọc bài viết "Cập nhật Covid-19 ngày 12/5: Toàn cầu vượt mốc 160 triệu ca mắc; số ca tử vong mới ở Ấn Độ cao kỷ lục, biến thể mới tràn sang 44 quốc gia" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#