Cập nhật Covid-19 ngày 24/7: Nỗi sợ ‘bóng ma’ Delta, ca mắc mới và tử vong ở Indonesia cao nhất thế giới; thêm tin vui từ vaccine

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 194 triêu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,1 triệu ca tử vong và hơn 176 triệu người bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 24/7: Nỗi sợ ‘bóng ma’ Delta, ca mắc mới và tử vong ở Indonesia cao nhất thế giới; thêm tin vui từ vaccine
Công nhân làm việc tại nghĩa trang tranh thủ nghỉ ngơi trong khi chuẩn bị nơi chôn cất cho nạn nhân Covid-19 ở Bekasi, ngoại ô Jakarta, Indonesia, ngày 15/7. (Nguồn: Reuters)

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 35.282.725 ca nhiễm và 626.657ca tử vong; tiếp đến là Ấn Độ với 31.331.145 ca nhiễm và 420.038 ca tử vong, Brazil với 19.632.443 ca nhiễm và 548.420 ca tử vong.

Số ca nhiễm đang tăng tại toàn bộ 50 bang của Mỹ và thủ đô Washington, gấp gần ba lần so với hai tuần trước khi biến chủng Delta lây lan nhanh chóng.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, trung bình khoảng 43.700 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua tại Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong đại dịch, nhưng tăng 65% so với 7 ngày trước đó và gấp gần ba lần hai tuần trước đó.

Ca nhiễm đạt mức thấp nhất hồi cuối tháng 6, trước khi bắt đầu tăng trở lại do chiến dịch tiêm chủng chững lại và biến chủng Delta lây lan khắp nước.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng đạt đỉnh hồi tháng 4 với hơn ba triệu mũi được tiêm mỗi ngày, nhưng đã giảm đáng kể những tháng gần đây, xuống còn 530.000 mũi/ngày.

Tổng y sĩ Vivek Murthy nói tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 22/7 rằng, 97% ca nhập viện và 99,5% ca tử vong xảy ra ở những người không được tiêm chủng.

Tổng thống Joe Biden và Giám đốc CDC Rochelle Walensky đều gọi tình trạng bùng phát hiện nay là "đại dịch của những người chưa được tiêm chủng".

Giới chức Mỹ đang kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng ngừa biến chủng Delta. Nước này đặt mục tiêu tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên vào ngày 4/7, song tỷ lệ này hiện là 68,6%.

Các biến chủng rất dễ lây, chủ yếu là do người bị nhiễm chủng Delta có thể mang lượng virus cao gấp 1.000 lần trong khoang mũi so với những người bị nhiễm chủng gốc.

Số ca nhiễm tăng mạnh làm dấy lên tranh luận về khả năng người dân Mỹ cần được tiêm thêm liều tăng cường trong mùa Thu năm nay. Chính phủ Mỹ đã đặt mua thêm 200 triệu vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer và đối tác BioNTech để hỗ trợ tiêm ngừa cho trẻ em và dự phòng tiêm mũi tăng cường nếu cần thiết.

Ngày 24/7, số ca mắc Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbean đã vượt qua mốc 40 triệu. Kể từ khi ghi nhận có ca mắc đầu tiên hồi năm ngoái, số ca tính tới 2 giờ sáng giờ GMT đã tới mốc 40.073.507 ca.

Số người thiệt mạng vì Covid-19 tại khu vực trên là 1.353.335 người.

* Tại châu Âu

Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6 - 11/7, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.

Trước tình hình này, Văn phòng WHO châu Âu và ECDC cùng kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng cường nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể Covid-19.

WHO khuyến nghị các chính phủ cần tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đẩy nhanh truy vết để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm, đảm bảo tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao nhất và khuyến khích cách ly với các trường hợp tiếp xúc hoặc đã được xác nhận dương tính với Covid-19.

Theo dự báo mới nhất của ECDC công bố hôm 23/7, số ca mắc mới ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong 4 tuần tới, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.

* Tại châu Phi

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết châu lục này đã ghi nhận 6.380.914 ca mắc Covid-19, trong đó có 161.772 ca tử vong và 5.589.196 ca bệnh đã được chữa khỏi.

Nam Phi, Morocco, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia là những quốc gia có nhiều ca bệnh nhất.

Xét theo khu vực, đứng đầu về mức độ bị ảnh hưởng là miền Nam châu Phi, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi khu vực Trung Phi ít bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dịch bệnh đang có xu hướng tăng mạnh ở một số nước như Algeria, Tunisia, Zimbabwe, Libya, Senegal và Ghana.

Theo CDC châu Phi, tính đến thời điểm hiện tại, các nước châu Phi mới chỉ mua được 82,7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và mới chỉ có 1,39% dân số châu lục này được chủng ngừa đầy đủ.

* Tại châu Á

Indonesia vẫn tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh. Tổ chức cộng đồng LaporCovid-19 cho biết tính đến ngày 23/7, nước này đã có 2.490 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong quá trình tự cách ly tại nhà.

Theo LaporCovid-19, số liệu trên được tổng hợp từ 3 nguồn gồm các tình nguyện viên của tổ chức này, cộng đồng thông qua trung tâm nghiên cứu về y tế CISDI và chính quyền thủ đô Jakarta. Trong số các địa phương này, thủ đô Jakarta có số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong khi tự cách ly tại nhà cao nhất - 1.215 ca, chiếm gần 49%.

Trong khi đó, theo trang worldometers.info, ngày 23/7, Indonesia tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc mới cũng như số ca tử vong do Covid-19. Cụ thể, quốc gia này đã ghi nhận thêm việc cộng thêm hơn 49.000 ca mắc và 1.566 ca tử vong.

Bộ Y tế Malaysia (MOH) thông báo nước này tiếp tục ghi nhận về số ca mắc mới Covid-19 ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 15.573 ca. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 980.941 ca Covid-19, trong đó có 7.718 ca tử vong.

Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia phát hiện thêm 119 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm 106 ca nhiễm biến thể Delta, 10 ca nhiễm biến thể Beta và 3 ca nhiễm biến thể Alpha, nâng tổng số ca nhiễm biến thể của virus tại Malaysia lên là 429 trường hợp.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Philippines thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với người từ Malaysia và Thái Lan để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/7 đến 31/7.

Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta, Philippines trước đó cũng đã cấm nhập cảnh đối với người từ 8 nước, bao gồm cả Indonesia và Ấn Độ.

Tính đến nay, Philippines phát hiện 47 ca nhiễm biến thể Delta trên ca nước, với 12 ca được ghi nhận ngày 22/7.

Tình hình Covid-19 tại Campuchia đang tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trong 24 giờ qua (tính đến tối 23/7), Bộ Y tế Campuchia ra thông báo ghi nhận thêm 34 ca tử vong và 825 ca mắc mới, trong đó có 335 ca nhập cảnh và 490 ca lây nhiễm cộng đồng.

Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 71.244 ca mắc Covid-19, trong đó 63.474 người khỏi bệnh và 1.222 người tử vong.

Còn tại Lào, để ứng phó với số lượng ca mắc Covid-19 chủ yếu là người nhập cảnh đang gia tăng, một số tỉnh đã được hỗ trợ giường bệnh và thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho các bệnh nhân.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.342 ca nhiễm Covid-19 và 5 người tử vong.

Tại Australia, bang New South Wales đông dân nhất nước ngày 24/7 ghi nhận 163 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Theo giới chức bang, trong số các ca nhiễm mới, có ít nhất 45 người có tiếp xúc trong cộng đồng khi đang mang bệnh. Tình hình này khiến giới chức bang có thể kéo dài lệnh phong tỏa mà theo kế hoạch sẽ hết hạn vào ngày 30/7 tới.

* Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế Israel vừa công bố các số liệu nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine đã mang lại hiệu quả tới 91% trong ngăn ngừa các biến chứng nặng đối với các bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, một nghiên cứu được tiến hành với các nhóm dân cư đã được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine trong các khoảng thời gian khác nhau ở nước này cho thấy vaccine đã mang lại hiệu quả chung tích cực không chỉ đối với các ca bệnh nặng, mà còn đạt hiệu quả tới 88% trong việc giảm số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện.

Hiện Israel vẫn áp dụng cơ chế chỉ nhập viện đối với các ca có diễn biến nặng, các ca nhẹ hơn được theo dõi và điều trị tại nhà.

Tại Singapore, trong số 1.096 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 28 ngày qua, những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ chiếm khoảng 44% (484 người), số người đã được tiêm 1 mũi vaccine chiếm 30% và số người chưa tiêm vaccine chỉ chiếm hơn 25%.

Không ai trong số những người đã được tiêm vaccine đầy đủ nằm trong số 7 ca mắc Covid-19 nặng, cần thở oxy và 1 ca trong tình trạng nguy kịch đang được chăm sóc tích cực.

Tuyên bố của Bộ Y tế Singapore khẳng định đây là một bằng chứng nữa cho thấy việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể ngăn chặn bệnh tình diễn tiến nặng nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cũng theo bộ trên, toàn bộ những người đã tiêm vaccine đều không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ mắc bệnh nhẹ.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đã bổ sung triệu chứng rối loạn thần kinh, gọi là hội chứng Guillain-Barr (GBS), vào danh sách tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vaccine Janssen phòng Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J).

Bên cạnh đó, EMA đã cho phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Moderna cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17. Đây là vaccine thứ hai được EU cho phép sử dụng đối với lứa tuổi vị thành viên.